Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lời giải nào cho bài toán phòng, chống tai nạn đuối nước?

Thứ Ba, 20/06/2017 15:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trước thực tế đáng báo động về tai nạn đuối nước ở trẻ em, đã đến lúc người lớn cần có trách nhiệm nhiều hơn trong ngăn chặn, khắc phục tình trạng này...


Bể bơi dành cho trẻ em ở thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). (Video: QĐ)

Tăng cường trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước


Thực tế cho thấy, 
 hiện nay tại một số địa phương, môi trường sống của trẻ em đang tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, nhất là những nguy cơ về tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như điều kiện sinh hoạt, trình độ nhận thức, mức sống... nên không ít phụ huynh và các em chưa hiểu rõ được mối nguy hiểm cũng như những nguy cơ của tai nạn đuối nước. Vì vậy, một trong những giải pháp hàng đầu là cần tăng cường tuyên truyền về phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em và phụ huynh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt chú ý tới việc tuyên truyền giáo dục về các vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật, các quy định của Nhà nước về phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tăng cường sự giám sát của cha mẹ đối với trẻ em trong thời gian học cũng như trong thời gian nghỉ hè. Đồng thời, khuyến khích cha mẹ nên đưa con em mình tới các điểm dạy bơi an toàn.

Cùng với đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần chú trọng chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể triển khai các hoạt động nhằm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ như các mô hình: Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn… giúp các em được an toàn khi vui chơi, học tập và sinh hoạt. Việc phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, địa phương và gia đình luôn là vấn đề quan trọng trong phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được tự ý đi chơi, đi tắm tại các hồ nước, sông… có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước; phối hợp với phụ huynh thông báo thời gian các hoạt động liên quan đến việc điều động học sinh nhằm giám sát chặt chẽ các em. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương trong tổ chức các sân chơi lành mạnh cho trẻ em.

Song song với đó, một vấn đề quan trọng khác đó là phải quan tâm trang bị cho cộng đồng những kỹ năng xử lý khi bắt gặp tai nạn đuối nước. Thực tế cho thấy, nếu người dân bình tĩnh, xử lý đúng phương pháp thì hoàn toàn có thể hạn chế những hậu quả đáng tiếc của tai nạn đuối nước. Nạn nhân trong các vụ tai nạn đuối nước thường bị hoảng loạn, gần như không thể tự mình xử lý được. Do đó, cần có biện pháp hướng dẫn, trang bị cho người dân các kỹ năng cần thiết như cách sử dụng sào, gậy dài để ứng cứu nạn nhân (trường hợp ở gần bờ); cách tiếp cận và ứng cứu nạn nhân khi ở xa bờ; kỹ năng hỗ trợ hô hấp, làm thông thoáng đường thở và hô hấp nhân tạo cho nạn nhân. Trên cơ sở đó, người dân sẽ bình tĩnh và làm chủ tình huống khi có tai nạn đuối nước xảy ra tại địa bàn dân cư.

Việc trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ. (Ảnh: QĐ)

Xã hội hoá hoạt động dạy bơi lội cho trẻ em


Theo các chuyên gia, để phòng, chống đuối nước ở trẻ em có hiệu quả, về lâu dài, việc trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ là vấn đề quan trọng nhất. Những năm gần đây, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, hoạt động dạy bơi lội cho trẻ em đã được quan tâm hơn trước. Các địa phương đã từng bước hình thành phong trào học bơi, dạy bơi, đặc biệt là tại một số nơi có nhiều nguy cơ gây đuối nước. Trong đó, vai trò của ngành giáo dục đã được phát huy thông qua việc từng bước đưa môn bơi lội vào chương trình học của các em bậc tiểu học và trung học cơ sở. Hiệu quả từ phong trào phổ cập bơi cho học sinh ở các trường học đã góp phần giảm số vụ tai nạn đuối nước tại nhiều địa phương.

Trong thực hiện xã hội hoá hoạt động dạy bơi lội cho trẻ em, bên cạnh phát huy vai trò của ngành giáo dục cũng cần chú ý đến vai trò của cộng đồng dân cư. Cần nhân rộng các mô hình xã hội hóa trong xây dựng bể bơi, dạy bơi, học bơi. Đối với mỗi gia đình, các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm, tạo điều kiện cho con được học bơi, học kỹ năng tồn tại dưới nước và kỹ năng cứu đuối.

Theo ông Đoàn Quang Anh, một chuyên gia về trẻ em cho biết, song song với việc trang bị kỹ năng bơi lội cho trẻ, còn phải dạy cho các em ý thức phòng tránh các nguy cơ đuối nước và những kỹ năng an toàn khi ở dưới nước: đi bơi ở ao, hồ thì phải có áo phao; chỉ đi bơi khi có người lớn giám sát trên bờ; cách xử lý, cấp cứu, cứu nạn khi gặp tình huống tai nạn đuối nước…

Mới đây nhất, ngày 27/4/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn chỉ đạo số 1702/BGDĐT-CTHSSV về việc giáo dục kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước học sinh các trường phổ thông. Theo đó, các cơ sở giáo dục phổ thông cần linh động tổ chức, lồng ghép với hoạt động dạy học trên lớp; chú trọng trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết tự nhận thức và ứng phó với nguy cơ đuối nước... Mục tiêu đến năm 2020, cả nước sẽ có trên 80% trẻ em từ 6 - 15 tuổi được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 100% các tỉnh, thành phố kiện toàn mạng lưới dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em 6 - 15 tuổi; 100% các tỉnh, thành phố xây dựng được đội ngũ giáo viên dạy bơi theo chương trình bơi an toàn; 100% số xã, phường, thị trấn thực hiện loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em... Từ những kết quả tích cực bước đầu của việc thí điểm dạy bơi tại một số địa phương, dư luận xã hội mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu và sớm hình thành một môn học chính khóa bắt buộc với trẻ em ở bậc tiểu học. Trong bộ môn bơi, cùng với việc dạy kỹ năng bơi lội thì cần quan tâm trang bị cho trẻ những kỹ năng xử lý khi ở dưới nước, kỹ năng cấp cứu khi xảy ra tai nạn, cách lựa chọn bể bơi, nơi bơi an toàn...

Không gì bù đắp được những mất mát của các gia đình có con em là nạn nhân của các vụ đuối nước. Để ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa tai nạn đuối nước đối với trẻ em, cùng với sự nỗ lực của nhà trường, gia đình thì còn rất cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội, nhất là sự quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy bơi. Đó là cách hữu hiệu nhất để người lớn chúng ta bảo vệ các em trước nguy cơ tai nạn đuối nước./.

Quang Đạo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN