Lời giải nào cho bài toán phòng, chống tai nạn đuối nước?
(ĐCSVN) - Cứ vào thời gian nghỉ hè của các em học sinh, tình trạng trẻ em đuối nước tại nhiều địa phương trong cả nước lại có chiều hướng gia tăng. Đã có rất nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em mỗi năm... Đây thực sự là vấn đề “nóng” đã và đang đặt ra cho các cơ quan chức năng có liên quan trong việc bảo vệ, phòng, chống nguy cơ đuối nước cho trẻ em.
Có rất nhiều tình huống, nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ việc tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em. Nhưng dù như thế nào thì hậu quả của các vụ đuối nước thường rất nghiêm trọng. Cùng với đó là nỗi đau mất mát không gì bù đắp nổi của người thân các nạn nhân nhỏ tuổi...
Luôn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn đuối nước đối với trẻ em khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
(Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: QĐ)
Câu chuyện cũ, nỗi đau mới
Có một thực tế là dù được đề cập đến rất nhiều lần, song tình trạng tai nạn đuối nước ở trẻ em tại nhiều địa phương trên cả nước những năm gần đây không hề giảm. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã liên tiếp xảy ra hàng loạt những vụ tai nạn đuối nước thương tâm với nạn nhân chủ yếu là các em học sinh thuộc nhiều lứa tuổi.
Điển hình là vụ việc xảy ra vào chiều ngày 29/3/2017 tại vùng ngập nước của hồ thuỷ điện Sê San thuộc buôn Tăng, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Do được nghỉ học nên 5 học sinh lớp 6 của Trường THCS Chu Văn An đã rủ nhau đi tắm. Có 4 nữ sinh trong nhóm xuống tắm và đã bị đuối nước. Thấy các bạn bị đuối nước, nữ sinh trên bờ đã lấy cành cây để cứu bạn nhưng bất thành. Sau đó, em chạy bộ về khu vực dân cư cách nơi các bạn gặp nạn khoảng 1km để kêu cứu. Khi người lớn đến nơi thì mọi việc đã quá muộn. Dù rất cố gắng nhưng mọi người không thể cứu được 4 nữ sinh bị đuối nước.
Trước đó, vào khoảng gần 12h trưa ngày 26/3/2017, một nhóm gồm 3 học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, rủ nhau ra Đà Nẵng chơi và đến bãi biển Xuân Thiều, quận Liên Chiểu để tắm. Do sóng to nên cả 3 học sinh đều bị nước cuốn trôi và chết đuối trên biển, dù lực lượng cứu hộ bờ biển đã ngay lập tức ứng cứu. Gần đây nhất, trong ngày 30/5/2017, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 2 vụ đuối nước làm cho 3 em học sinh tử vong.
Những vụ tai nạn đuối nước thương tâm nói trên không chỉ cướp đi sinh mạng của các nạn nhân nhỏ tuổi mà còn gây nên tâm lý hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại các địa phương diễn ra vụ việc.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ nhiều năm trở lại đây, tai nạn đuối nước luôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010 - 2015, trung bình hàng năm cả nước có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước. Trong đó nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5-14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do tai nạn đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do tai nạn đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển. Rõ ràng, tình trạng tai nạn đuối nước của trẻ em tại nhiều địa phương trong cả nước đang ở mức đáng báo động.
Địa điểm xảy ra một vụ tai nạn đuối nước ở tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: QĐ)
Chủ quan, đơn giản và thiếu kỹ năng, kiến thức phòng, chống đuối nướcThực tế những vụ tai nạn do đuối nước ở trẻ em cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của xã hội và người dân về phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em vẫn còn hạn chế, thể hiện qua thái độ chủ quan, coi thường sự nguy hiểm của nhiều bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước chưa được chú trọng đúng mức; việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy chưa nghiêm. Tâm lý chủ quan, không mặc áo phao khi đi trên tàu, thuyền còn phổ biến ở nhiều người dân. Một số nơi, cả người lớn và trẻ em còn có thói quen tắm ở sông, suối nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.
Bên cạnh đó, nguyên nhân phổ biến khác đó là do thiếu sự giám sát của gia đình và sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ, đập nước... Tai nạn đuối nước một phần do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Tại một số địa phương cũng xảy ra trường hợp trẻ bị chết đuối do sự không an toàn của môi trường sống xung quanh như hố nước tưới cây hoặc các hố sâu trong các khu công trình xây dựng không được che chắn cẩn thận. Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng là khi các em cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị đuối nước, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên. Điển hình như trong vụ đuối nước ngày 29/3, khi thấy các bạn bị đuối nước, bạn nữ sinh ở trên bờ liền chạy về khu dân cư cách đó 1 km trong khi cách hiện trường vụ tai nạn chưa đến 100m đã có một số nhà dân sinh sống. Nếu bạn này bình tĩnh hơn, chạy lại các nhà dân ở gần đó kêu cứu thì có thể đã cứu được những nữ sinh bị đuối nước.
Bên cạnh đó, bản thân môi trường sinh hoạt, vui chơi của các em học sinh tại nhiều nơi cũng luôn tiềm ẩn những nguy cơ dẫn đến tai nạn đuối nước, nhất là tại các vùng nông thôn với điều kiện nhiều sông, suối, ao, hồ là mối hiểm họa tiềm ẩn gây tai nạn đuối nước; hay là ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi người dân vẫn giữ thói quen tắm suối, tắm sông... Thực tế, sân chơi và khu vực tắm đảm bảo an toàn cho trẻ còn thiếu nhiều tại các địa phương nên nguy cơ đuối nước càng tăng lên. Đặc biệt, mùa hè là thời điểm số vụ tai nạn đuối nước thường gia tăng đột biến do trẻ em bước vào kỳ nghỉ hè. Vì vậy các gia đình cần nâng cao ý thức trong việc tìm hiểu và áp dụng những biện pháp phòng, tránh đuối nước cho trẻ nhỏ./.