Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Liều thuốc nào cho “Tín dụng đen”?

Thứ Bảy, 16/11/2024 09:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Dịch bệnh, thiên tai khiến nền kinh tế nhiều gia đình gặp không ít khó khăn, trong khi nhu cầu lo học phí cho con, chữa bệnh, giúp đỡ gia đình, sửa nhà cửa, mua sắm phương tiện…Nhiều lao động nghèo đã liều mình vay tiền bên ngoài với lãi suất cao ngất ngưởng.

Tín dụng đen, hiểu đơn giản, là hoạt động cho vay giữa các cá nhân, tổ chức không qua hệ thống tín dụng chính thức: không ghi mức lãi, nội dung vay chung chung, khoản vay được tách nhỏ (10, 20, 30… triệu đồng) ở các thời điểm khác nhau, mỗi lần vay bên cho vay chỉ lập 01 giấy cho vay do bên cho vay giữ…

Hoạt động này diễn ra thường xuyên, đặc biệt nở rộ mỗi dịp cuối năm, lợi dụng khó khăn về tài chính của công nhân, người lao động, các đối tượng tung ra chiêu trò quảng cáo trên mạng xã hội, vay qua app, rải tờ rơi, dán thông báo tại các trụ điện, bảng điện nhằm dụ dỗ, lôi kéo công nhân, người lao động.

Chị N.C.N. (35 tuổi), công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), cho biết, sau khi liên hệ với số điện thoại ở “ngân hàng cột điện”, chị được hướng dẫn ký vào nhiều loại giấy tờ. Vay 10 triệu đồng, nhưng không nhận đủ 10 triệu mà bị trừ thẳng tiền lãi; lãi suất được tính 10.000 đồng/1 triệu đồng tiền gốc/ngày. “Ngoài 10 triệu đồng tiền gốc, tôi vay thêm 10 triệu nữa, số tiền lãi tăng nên không trả nợ được. Bị khủng bố tinh thần, gia đình tôi phải đi vay mượn nơi khác để trả”, chị cho biết.

Vay 30 triệu đồng với lãi suất 20%, trước đó vay tiền từ các app với lãi suất cũng 10%/tháng, đến khi số tiền vay đã lên đến 200 triệu đồng, anh Đ.H.T (43 tuổi), công nhân một nhà máy trong Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh không còn khả năng trả nợ, nên đã phải cầu cứu công đoàn, người nhà giúp đỡ vì người cho vay gọi điện thoại đe dọa nếu không trả tiền sẽ bị bôi nhọ, thậm chí hành hung.

 Hình thức cho vay “tín dụng đen” diễn ra hết sức phức tạp. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Chị N và anh T là 2 trong số rất nhiều người lao động đang loay hoay trong “bẫy” tài chính vi mô không chính thức nói trên.

Theo quy định tại Điều 201, Mục 2, Chương XVIII, Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền 200 triệu đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…

Điều 468, Mục 4, Chương XVI, Bộ luật Dân sự 2015 nói rõ lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (tức là 1,66%/tháng), trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…

Thực tế hiện nay cho thấy hoạt động cho vay đã được các chủ nợ biến tướng thông qua hợp đồng thường được soạn thảo và ký nhận với nội dung giả tạo để che giấu mức lãi suất bất hợp pháp, tạo điều kiện cho chủ nợ dễ dàng khống chế con nợ để thu được nợ. Đây cũng là ràng buộc pháp lý để khi con nợ không trả được thì chủ nợ có thể đề nghị cơ quan pháp luật xử lý bằng hình sự với con nợ.

Các dấu hiệu tín dụng đen: cho vay bất chấp mục đích vay của người vay là gì; không hạn chế thời gian vay vì lãi được tính theo ngày; có thể trả lãi 10 ngày/lần hoặc 01 tháng/lần hoặc theo thỏa thuận; tiền lãi kỳ đầu được khấu trừ ngay vào lần vay đầu tiên.

Không cần giữ tài sản thế chấp khi vay nhưng chủ nợ thường sẽ ghi trong hợp đồng vay nội dung: Quá thời hạn trả nợ nếu bên vay không trả được nợ thì bên cho vay có quyền thu hồi nhà, đất, tài sản của bên vay.

Mặc dù pháp luật quy định lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm thì được coi là vi phạm, tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính hay hình sự. Thực tế ghi nhận lãi suất tín dụng đen thường cao, có khi lên đến 300 - 700%/năm.

Quá trình trả nợ, do lãi suất lớn nên người vay không trả được lãi thì các chủ nợ bắt đầu hoạt động biến tướng tinh vi hơn, đó là:

Trực tiếp hoặc dùng số đối tượng “xã hội đen”; tổ chức đòi nợ chuyên nghiệp cho người đe dọa; đánh đập hoặc tuy không đánh đập nhưng cho những đối tượng xăm trổ hung hãn mang theo băng rôn đòi nợ đến nhà riêng, nhà bố mẹ anh em, cơ quan, đơn vị của người vay tiền để gây áp lực trả nợ…

Tiến hành gọi (hoặc bắt) người vay đến một địa điểm, đe dọa, khống chế đồng thời chủ nợ đưa ra một hợp đồng trong đó chủ nợ đã khoanh tổng nợ (gồm gốc, lãi) đến thời điểm đó. Sau đó, dưới sự chứng kiến của những người đã được chủ nợ hợp đồng trước; con nợ sẽ phải ghi, ký và điểm chỉ vào hợp đồng trong đó xác định con nợ đã nhận (có thể là 2-3 lần) một số lượng tiền của chủ nợ để chạy việc cho con, em, cháu chủ nợ vào biên chế một cơ quan nào đó; để xin chuyển vùng cho ai đó; để chạy chính sách cho một đối tượng nào đó hoặc vô vàn lý do “hợp lý” khác…

Số lượng tiền con nợ nhận các lần là trùng khớp với số lượng gốc và lãi mà bên cho vay đã cho bên vay vay. Các giấy ghi từng lần vay tiền trước đó do chủ nợ giữ lúc này sẽ được hủy bỏ.

Hoạt động thu hồi nợ gắn với tín dụng đen thường gắn với các hành vi như: Bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản, gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, bom xăng, đổ bê tông trước cửa nhà, đặt vòng hoa tang, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi, kéo đông người đến nhà riêng, nơi làm việc để gây áp lực với người vay tiền và thân nhân của họ. Thậm chí, đối tượng còn sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo…) để đăng các thông tin không có lợi cho người vay, nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, từ đó tạo áp lực để đòi nợ.

Lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng, nhiều người giả danh thương binh tham gia nhiều hoạt động trong đó có hoạt động đòi nợ thuê. Số người này thường tụ tập theo nhóm theo yêu cầu của người thuê, đến nhà người nợ tiền để gây sức ép dưới nhiều hình thức khác nhau gây dư luận phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực.

Các đối tượng này được sự tư vấn pháp luật của đội ngũ luật sư thoái hóa, biến chất, dùng các biện pháp đòi nợ phản cảm, nhằm làm nhục, mất uy tín, gây phiền nhiễu, ảnh hưởng đến kinh tế của con nợ, gây hoang mang, bức xúc cho người dân xung quanh nhưng không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc rất khó để xử lý hình sự, trong khi chế tài xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp bách là lực lượng công an (chủ công) cần tiếp tục tăng cường nắm vững địa bàn, bám chắc tình hình nhằm đối phó có hiệu quả với các hình thức cho vay biến tướng với lãi suất cao, cách thức đòi nợ tinh vi.

Cùng với đó, để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động, giúp họ yên tâm lao động sản xuất, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, công đoàn các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen”, nâng cao cảnh giác và chủ động tố giác, đa dạng cách tiếp cận nguồn vốn, làm thế nào để người lao động không phải tìm đến “tín dụng đen”.

Triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó cần quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động, như tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn ca, nhà ở, nhà trẻ, có chính sách trợ cấp khó khăn, hỗ trợ vay vốn ở những kênh chính thống với lãi suất hợp lý.

Ngoài ra, việc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển lành mạnh của các tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực tài chính vi mô, chuyên phục vụ khách hàng công nhân và người lao động có thu nhập thấp cũng là giải pháp hiệu quả, mang tính nhân văn sâu sắc, bổ sung mạnh mẽ cả lượng và chất cho liều thuốc đặc trị căn bệnh với tên gọi “tín dụng đen”./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN