Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 2: Những điểm nghẽn cần tháo gỡ tại Dự án Làng Đại học Đà Nẵng

Thứ Sáu, 15/11/2024 14:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Dự án Làng Đại học Đà Nẵng bị “treo” kéo dài làm nảy sinh nhiều bức xúc trong Nhân dân và chính quyền các địa phương nơi có Dự án. Điều đáng nói là Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp làm việc và nhiều lần chỉ đạo. Song đến nay, nhiều điểm nghẽn vẫn tồn tại và chưa được tháo gỡ, giải quyết dứt điểm, nhất là tại Quảng Nam.

Khu vực Khối phố Tứ Hà hiện có hơn 300 hộ dân bị ảnh hưởng do đang nằm trong vùng Dự án.

Bức xúc từ phía tỉnh Quảng Nam 

 Như đã đề cập, Dự án Làng Đại học Đà Nẵng tại Hoà Quý - Điện Ngọc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai từ năm 1997 tại Quyết định số 1057/1997/QĐ-TTg ngày 09/12/1997 với tổng diện tích khoảng 300 ha; trong đó khoảng 110 ha thuộc phường Hoà Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) và khoảng 190 ha thuộc phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Tuy nhiên, đã 27 năm, Dự án mới chỉ được triển khai một phần thuộc địa phận TP Đà Nẵng. Riêng phần thuộc tỉnh Quảng Nam đến nay vẫn chưa "khởi động" được. Việc Dự án kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống Nhân dân cũng như công tác quản lý về an ninh, trật tự xã hội và xây dựng tại địa bàn thuộc các địa phương nơi có Dự án đi qua.

Trao đổi về các vấn đề xung quanh dự án này, đại diện UBND phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) cho rằng: Do dự án kéo dài quá lâu đã ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, định hướng đầu tư các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, dân sinh… Đặc biệt, người dân khu vực Dự án không được thực hiện các quyền về đất đai, xây dựng, nhân khẩu theo các quy định của pháp luật. Mặc dù chính quyền đã tổ chức nhiều biện pháp, song tình hình an ninh trên địa bàn khu vực Dự án rất phức tạp. Gần vị trí Dự án có trường Đại học Việt Hàn và trường Cao đẳng Công nghệ thông tin nên số lượng sinh viên khá đông. Một số cá nhân đã nắm bắt nhu cầu sinh viên thuê ở, nên đã  xây dựng nhiều công trình trái phép, gây khó khăn trong theo dõi, quản lý của chính quyền sở tại. Đây chính là những bức xúc rất lớn đặt ra hằng ngày, kéo dài suốt trong 27 năm qua tại địa phương.

Tại khối phố Tứ Hà (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn), bà Võ Thị Dân (76 tuổi) là một trong số hơn 300 hộ tại đây có cùng bức xúc do Dự án “treo” gây ra đã cho hay, gia đình bà có 05 người con nhưng nhiều năm nay vợ chồng bà không thể tách thửa để chia đất làm nhà cho các con đã lớn ra riêng sau khi “dựng vợ gả chồng. Nhà cửa dù bị hư hỏng cũng không được xây mới...

Theo ông Trương Hà, Khối trưởng Khối phố Tứ Hà, 27 năm là thời gian đủ để một người sinh ra trưởng thành. Ở đất Tứ Hà này, nhiều thế hệ đã đợi chờ Dự án nhưng không thấy Dự án ở đâu, chỉ thấy nỗi lo về nhà cửa hư hỏng, đất đai không được tách thửa, thừa kế, nhiều sinh hoạt bị đảo ngược… Từ khi có Dự án, địa phương không thể đầu tư bê tông hoá giao thông nông thôn, chỉ có con đường bê tông giao thông chính đi qua Khối phố Tứ Hà dài khoảng 1,7km, rộng 03m hư hỏng nhiều năm trước bị lầy lội vào mùa mưa, bụi mù mịt vào mùa nắng. Trong khi đó, hệ thống điện cũng không được đầu tư, sửa chữa, các trụ điện xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên xảy ra sự cố, nguy cơ xảy ra tai nạn điện rất cao, nhất là vào mùa mưa bão; các công trình văn hoá thể thao, nhà trẻ, trường mẫu giáo tạm bợ, không thể đầu tư...

Do dự án bị “treo” 27 năm nay nên nhà cửa của người dân tại đây dù xuống cấp, hư hỏng cũng không thể xây mới được. 

Phải nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn 

Qua trao đổi, đại diện UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cho hay, theo Quy hoạch của tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/01/2024, trong đó có định hướng: “Xây dựng mới các khu giáo dục đào tạo để hình thành trung tâm giáo dục phía Bắc gắn với Đại học Đà Nẵng” và “Thu hút, kêu gọi đầu tư khu giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế tại Quảng Nam để hình thành 02 trung tâm gồm: phía Bắc tại Điện Bàn gắn với TP Đà Nẵng và phía Nam gắn với Khu kinh tế mở Chu Lai theo mô hình đô thị đại học để trở thành một trong những trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao hàng đầu đối với một số lĩnh vực của vùng”.

Trước đó, tại Quy hoạch chung thị xã Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045 được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định 656/QĐ-UBND ngày 31/3/2023 đã cập nhật toàn bộ Quy hoạch phân khu xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng tỷ lệ 1/2000 vào trong đồ án điều chỉnh; đồng thời có định hướng thêm việc phát triển giáo dục tại vùng Tây Điện Bàn, trong đó với hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch phân khu (1/2000) Làng Đại học Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 09/7/2020. Theo đó, phạm vi Dự án Làng Đại học Đà Nẵng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giữ lại dân cư hiện trạng khoảng 30 ha dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo (ĐT607) để chỉnh trang đô thị.

Trên cơ sở những quy hoạch và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hồ sơ Quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án Làng Đại học Đà Nẵng (1/500) đã được Đại học Đà Nẵng trình UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5080/QĐ-UBND ngày 24/12/2020. Thế nhưng, Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) của Dự án kể trên tại địa bàn Quảng Nam phê duyệt chậm, nên việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng chưa tiến hành được. Đây chính là một trong những điểm nghẽn lớn làm cho toàn bộ khu vực Dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa thể “chuyển động”.

Để tái định cư cho Nhân dân cùng Dự án, phía Quảng Nam đang rất cần khu tái định cư nhưng đây là điểm nghẽn lớn do chưa có đất và vốn đầu tư lớn. 

Chính do công tác giải phóng mặt bằng chưa thực hiện nên là vấn đề rất bức xúc; song theo phương án đề xuất hiện nay thì diện tích cần giải phóng mặt bằng là 170,28 ha. Theo báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn, với đề xuất kể trên thì tổng số hộ bị ảnh hưởng là 1.845 hộ. Trong đó, 1.375 hộ ảnh hưởng đất ở, 30 trường hợp ảnh hưởng đất tín ngưỡng, tôn giáo và 440 hộ ảnh hưởng đất nông nghiệp. Tổng số lô cần bố trí tái định cư khoảng 3.155 lô.

Với phương án đó, theo UBND thị xã Điện Bàn, sẽ có 170 ha/190 ha của Dự án tại địa bàn Quảng Nam phải giải toả trắng hiện trạng, dẫn đến chi phí công tác giải phóng mặt bằng lớn. Đồng thời, để thuận lợi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì phải hình thành Khu tái định cư và chi phí đầu tư cho Khu tái định cư này theo quy mô đề xuất ở trên là không nhỏ (khoảng 1.175.920,2 triệu đồng). Mặt khác, đây cũng là công trình thuộc nhóm A, thời gian thực hiện rơi vào khoảng 5-6 năm theo quy định của Luật đầu tư 2019. Điều này đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn và đây thực sự là điểm nghẽn lớn nữa cần phải tháo gỡ mới đưa Dự án đi đến thành công./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN