Liên kết phát triển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung: Cần một cơ chế điều phối đủ mạnh
(ĐCSVN) - Theo "Báo cáo ngân sách dành cho công dân - dự toán ngân sách nhà nước năm 2022" của Bộ Tài chính, 3 trong số 5 tỉnh, thành Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm: Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi) thuộc nhóm 18/63 tỉnh, thành trên cả nước có số thu ngân sách điều tiết về ngân sách Trung ương. Đó là 1 tỉ lệ rất lớn so với các tiểu vùng thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ cũng như các vùng kinh tế - xã hội nói chung.
Sức bật về kinh tế - xã hội
Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh đối với cả khu vực Duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên.
Mục tiêu của Chính phủ là xây dựng Vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; là vùng công nghiệp gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại; chủ quyền biển, đảo được bảo vệ; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; môi trường sinh thái, môi trường sống được đảm bảo; giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng...
Để thực hiện các mục tiêu đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số quyết định, quy chế, chỉ thị nhằm tổ chức, vận hành và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ), trong đó có vùng KTTĐ miền Trung.
Bản thân các tỉnh, thành trong vùng KTTĐ miền Trung và các địa phương thuộc vùng Duyên hải miền Trung cũng đã đồng thuận và tự nguyện ký kết thành lập bộ máy tổ chức vùng Duyên hải miền Trung gồm: Tổ điều phối vùng, Nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng (đặt tại Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng), Trung tâm tư vấn - nghiên cứu phát triển miền Trung và bộ phận chuyên trách tại các địa phương. Tổ điều phối vùng Duyên hải miền Trung đã có một số đóng góp tích cực trong việc xây dựng chuỗi liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải và liên vùng (liên kết với các vùng lân cận, kể cả liên kết quốc tế). Các tỉnh/thành phố trong vùng đều thu được lợi ích từ chương trình phát triển này. Tổ điều phối vùng Duyên hải miền Trung cũng đã góp phần tăng cường tiếng nói của vùng trong hoạch định chính sách của Trung ương. Tổ điều phối vùng Duyên hải miền Trung đã thay mặt các chính quyền địa phương trong vùng để đệ trình một số cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững vùng Duyên hải miền Trung.
Tiếp theo đó, Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung cũng được thành lập tại Quyết định số 2059/QĐ-TTg ngày 24/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020, gồm Chủ tịch UBND 5 tỉnh trong vùng; Chủ tịch Hội đồng vùng được bầu luân phiên trong 5 tỉnh thuộc vùng. Các Quyết định trên đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương và giữa các chính quyền địa phương trong vùng KTTĐ miền Trung đảm bảo tính thống nhất trong xây dựng và thực thi chính sách quốc gia.
Một góc TP. Đà Nẵng. (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô) |
Các địa phương thuộc vùng KTTĐ miền Trung đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tổ chức thực hiện liên kết phát triển tiểu vùng và vùng theo 6 lĩnh vực trọng tâm: Phối hợp trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển; Phối hợp trong đầu tư phát triển; Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động vốn đầu tư từ nước ngoài (vốn FDI, ODA), huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước tham gia đầu tư tại các địa phương trong vùng; Đào tạo và sử dụng lao động; Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.
Theo đó, các tỉnh, thành đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị và các cuộc họp giao ban để đánh giá thực trạng, bàn các giải pháp về liên kết phát triển vùng, như: Hội thảo “Liên kết xây dựng hệ thống và Trung tâm Logistics tại Vùng KTTĐ miền Trung”; Hội nghị “Liên kết phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp vùng KTTĐ miền Trung” ngày 05/5/2018 tại Huế; Hội nghị “Giao ban Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và Hội nghị Phát triển du lịch Miền Trung và Tây Nguyên năm 2019” ngày 16/02/2019 tại Huế... Hội đồng vùng đã tổ chức luân phiên các cuộc họp tại thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, đã ban hành một số Nghị quyết, Kế hoạch liên kết phát triển vùng cho từng giai đoạn nhằm thực hiện tốt vai trò phối hợp các địa phương trong vùng KTTĐ miền Trung.
Nhờ đó, trong những năm qua, vùng KTTĐ miền Trung đã đạt được những thành tựu quan trọng về tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn 2001 - 2019, tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng luôn được duy trì ở mức tăng trưởng cao (10,25%/năm). Giai đoạn 2011- 2019 có sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng đáng kể so với thời kỳ trước (8,14%), song vẫn cao hơn mức tăng trưởng trung bình chung của cả nước (6,2%/năm).
Các địa phương nội vùng duy trì được mức tăng trưởng cao. Thành phố Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng, bình quân 12,05%/năm. Tiếp đến là Quảng Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,58%/năm. Quảng Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài là nhờ vào vai trò quan trọng của khu kinh tế mở Chu Lai, trong đó khu phức hợp ô tô Chu Lai Trường Hải đã góp phẩn phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô tô Việt Nam, tạo ra một số sản phẩm công nghiệp có giá trị lớn, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Quảng Ngãi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong thời kỳ dài (11,19%/năm), nhờ vào đóng góp của Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ năm 2009. Tỉnh Bình Định có tốc độ tăng trưởng khoảng 8,73%/năm.
Kinh tế tăng trưởng chưa bền vững
Mặc dù vùng KTTĐ miền Trung duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian dài, tuy nhiên quy mô nền kinh tế vùng còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2001, quy mô GRDP toàn vùng chỉ chiếm khoảng 5% GDP cả nước; đến năm 2019 cũng chỉ chiếm 7,09%. Xuất phát điểm của kinh tế vùng KTTĐ miền Trung còn thấp, đóng góp kinh tế của vùng trong nền kinh tế quốc gia chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng kinh tế động lực. Nguyên nhân chính do vùng KTTĐ miền Trung chịu sự khắc nghiệt của thiên tai, lũ lụt, hạn hán; địa hình hẹp, trải dài, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đi lại còn khó khăn, nên việc liên kết phát triển rất hạn chế, vì vậy các tỉnh trong vùng chưa khai thác và phát huy tốt hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Ngoài ra, các dự án trọng điểm về giao thông liên tỉnh, liên vùng như đường cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, các tuyến quốc lộ kết nối với Tây Nguyên, phát triển các sân bay quốc tế còn chậm triển khai, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng so với các vùng KTTĐ phía Bắc và phía Nam.
Đặc biệt, một số địa phương tuy có số thu ngân sách lớn, tăng trưởng theo các năm nhưng về cơ bản kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào một số doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với trung bình của cả nước. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao…
Theo nghiên cứu và đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn có nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động liên kết Vùng KTTĐ miền Trung. Cụ thể như: Các thỏa thuận liên kết trong vùng còn mang tính hình thức, hành chính, chưa có sự phối hợp thực chất. Thời gian qua, hợp tác nội vùng, hợp tác song phương phát triển, nội dung ngày càng toàn diện hơn nhưng các văn bản hợp tác mới chỉ mang tính chất đồng thuận về nguyên tắc, còn việc triển khai cụ thể chưa được quan tâm đúng mức.
Liên kết trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch còn yếu và thiếu hiệu quả. Trên thực tế, đã có những quy định pháp lý mang tính bắt buộc liên kết trong một số nội dung như: xây dựng và kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch. Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cho thấy, một mặt các địa phương đều rất ít chú ý tới ý kiến của các địa phương liền kề đối với bản quy hoạch của tỉnh mình, mặt khác các địa phương ít quan tâm đến bản quy hoạch của địa phương khác và cũng e ngại động chạm tới lợi ích của nhau nên các góp ý không mang tính thực chất, trừ khi có sự đụng chạm trực tiếp tới lợi ích của địa phương mình. Chính vì thế, quy hoạch các tỉnh trong vùng về bộ khung xây dựng gần giống nhau, dẫn đến việc thừa năng lực sản xuất, đầu tư dàn trải, trùng lắp tại các địa phương trong vùng. Việc phối hợp trong xây dựng quy hoạch không mang lại nhiều kết quả nên việc triển khai thực hiện quy hoạch lại càng khó có khả năng liên kết do ngay từ giai đoạn đầu đã không xuất hiện nhu cầu liên kết vùng.
Các hoạt động liên kết theo ngành, lĩnh vực sản xuất chưa phát huy hiệu quả. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa có sự kết nối chặt chẽ với các giá trị văn hóa trong vùng, kết nối các chương trình và các điểm đến với các địa phương trong vùng còn hạn chế, sự phối hợp giữa du lịch với các ngành liên quan chưa chặt chẽ; ngành nông nghiệp chưa có sự liên kết theo từng khâu đoạn sản xuất. Nhiều nông sản chủ lực vẫn chưa được sản xuất theo chuỗi liên kết giữa sản xuất - bảo quản - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc, chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế...
Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết nối về đầu tư còn rời rạc, chưa có cơ chế thống nhất, nhất là trong các khu kinh tế, khu công nghiệp. Phát triển kinh tế - xã hội của vùng vẫn chủ yếu do các địa phương tự làm, chưa có tính chất liên vùng để đẩy mạnh sự phát triển tương hỗ giữa các thành viên. Việc tiến hành kêu gọi đầu tư còn thiếu đồng bộ, dàn hàng ngang, chưa tận dụng được lợi thế riêng của từng địa phương. Các địa phương đều muốn lấy nhân công giá rẻ, cảng biển, sân bay làm lợi thế, tạo sự cạnh tranh không cần thiết. Hoạt động hợp tác hay liên kết kinh tế diễn ra trong phạm vi hẹp, chủ yếu là giữa một số địa phương chứ chưa có những hoạt động liên kết trên diện rộng toàn vùng, nhất là trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và liên kết các khu kinh tế, khu công nghiệp với các địa phương, dẫn đến phân tán các nguồn lực.
Liên kết trong phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng chưa cao. Đối với hệ thống cảng biển, mỗi tỉnh đều muốn phát triển tối đa cảng của mình. Vùng có hệ thống cảng biển nhiều nhất nước nhưng lượng hàng thông qua các cảng còn hạn chế, chủ yếu hoạt động dưới dạng gom hàng, sau đó chuyển đến các cảng lớn ở Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh để xuất đi các nước. Do chưa có một “nhạc trưởng” điều tiết, quy hoạch, nên việc đầu tư xây cảng biển ở miền Trung thiếu trọng tâm, hiệu quả kinh tế không cao, khiến nhiều cảng chỉ hoạt động 20% - 30% công suất.
Một góc vùng kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. |
Kết nối hạ tầng giao thông, cảng biển, đường sắt, đô thị còn nhiều bất cập, chưa phát huy lợi thế, thúc đẩy giao thông hàng hóa giữa các địa phương trong vùng. Về tổng thể, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, cấu trúc không gian phát triển Vùng KTTĐ miền Trung chủ yếu tập trung phát triển dải ven biển, trong khi các khu vực miền núi phía Tây chưa được phát triển cân đối hài hòa.
Kết nối về đào tạo và sử dụng lao động chưa có trọng tâm, chưa đáp ứng quy mô của vùng. Ngành nghề đào tạo còn chưa gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động. Một số ngành nghề được tập trung đào tạo nhiều nhưng nội dung, chương trình đào tạo chưa mang tính đột phá và chất lượng đào tạo còn thấp nên dẫn đến tình trạng thiếu lao động, mất cân đối cung cầu trong phân bổ nguồn lao động và hiệu quả đào tạo còn thấp. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo hoặc có tay nghề thấp còn lớn. Nhất là nguồn nhân lực du lịch đã qua đào tạo, chất lượng cao còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của toàn vùng.
Kết nối về khoa học, công nghệ, thông tin truyền thông còn khiêm tốn. Chưa có cơ chế về việc liên kết nghiên cứu, đầu tư, hợp tác, điều phối để thực hiện những nhiệm vụ khoa học - công nghệ có tính chất liên tỉnh, liên vùng. Chưa có những tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ lớn mang tính dẫn dắt, đầu tàu trong vùng làm động lực huy động các địa phương cùng thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ mang tính phức tạp.
Trong vùng cũng chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về các ngành, lĩnh vực ưu tiên liên kết vùng do đó chưa hỗ trợ được việc chọn lựa các dự án liên kết vùng, từ đó chưa đánh giá được quá trình và hiệu quả của các hoạt động liên kết.
Nguồn lực phục vụ các hoạt động liên kết còn hạn chế. Cơ cấu thu ngân sách còn chưa bền vững, còn phụ thuộc vào một số khoản thu ngắn hạn (các khoản thu từ sử dụng đất hàng năm khoảng 30 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 18% tổng số thu), chi đầu tư cho một số ngành yêu cầu cấp bách như chi đầu tư hạ tầng giao thông kết nối chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn vùng, chi cho khoa học - công nghệ chưa cao, quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế. Các dự án ưu tiên đầu tư cho liên kết vùng nhưng khó khăn về nguồn lực, về cơ chế chia sẻ lợi ích, chia sẻ trách nhiệm cũng chưa được rõ ràng đã làm chậm tiến độ, thậm chí cản trở việc triển khai thực hiện các dự án liên kết vùng.
Liên kết phát triển vùng chưa có công cụ hữu hiệu
Mặc dù đã tự nguyện tham gia ký kết thành lập bộ máy tổ chức vùng Duyên hải miền Trung, có Hội đồng vùng KTTĐ miền Trung do Thủ tướng thành lập, đã vận hành và hoạt động tương đối hiệu quả ngay sau khi thành lập nhưng sau một thời gian, nhất là những năm gần đây thì các tổ chức, bộ máy này dường như ngày càng rời rạc, bộc lộ những khó khăn, hạn chế, chưa thực sự phát huy được hiệu quả cao như mục tiêu đề ra.
Hầu hết đại diện lãnh đạo các địa phương, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học trong Nhóm tư vấn, Tổ điều phối vùng đều cho rằng, đến nay vẫn chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh, rõ ràng để Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng phối hợp hiệu quả.
Còn thiếu cơ chế có hiệu quả và hiệu lực để triển khai các cam kết hợp tác và liên kết; thiếu cơ chế tài chính cho hoạt động liên kết vùng và thiếu một cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan điều phối trong vùng. Cơ chế chia sẻ lợi ích, trách nhiệm giữa các địa phương khi có nguồn thu, chi phí từ các hoạt động liên kết chưa được luật hóa, hiện Luật Ngân sách Nhà nước phân cấp cho mỗi địa phương nguồn thu và nhiệm vụ chi dẫn tới cạnh tranh giữa chính quyền các địa phương trong việc “thu hút”, “lôi kéo” các dự án đầu tư, hạ tầng để phát triển địa bàn mình nhằm tăng thu, thay vì liên kết để cùng hưởng lợi. Với hình thức liên kết tự nguyện, do thiếu quy định pháp lý về chia sẻ lợi ích cho ngân sách mỗi tỉnh dẫn tới giảm động cơ liên kết, phối hợp.
Các Thỏa thuận hợp tác/Khung hợp tác/Tầm nhìn chiến lược liên kết vùng, tiểu vùng thiếu cụ thể, chưa đề cập tới. Việc chỉ dừng ở thỏa thuận mà không được nâng lên thành hợp đồng kinh tế, có tính ràng buộc về lợi ích và trách nhiệm cụ thể hoặc đưa vào nghị quyết HĐND mỗi tỉnh theo quy định Luật Ngân sách và Luật Tổ cức chính quyền địa phương làm cho các thỏa thuận mang tính hình thức…
Chính vì vậy, để có thêm những luận cứ phục vụ xây dựng Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, đồng thời tìm ra những giải pháp căn cơ, hữu hiệu nhằm giải quyết nút thắt phát triển của khu vực Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, sớm đưa Vùng này trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ như mục tiêu đã đề ra, ngày 01/7/2022 tới đây, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam sẽ tổ chức Tọa đàm Khoa học “Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới”./.