Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Làng thêu Quất Động

Thứ Hai, 10/06/2024 13:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

​(ĐCSVN) - Làng thêu Quất Động nổi tiếng với nghề thêu truyền thống đã có từ lâu đời, khởi nguồn cùng với sự hình thành và phát triển của ngôi làng cổ. Những bức thêu tinh tế, giàu cảm xúc của các nghệ nhân làng Quất Động đã góp bức tranh văn hóa Thăng Long - Hà Nội một nét văn hóa tiêu biểu.

Làng nghề thêu Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường tín – Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km. Làng nghề thêu Quất Động có vị trí trung tâm của xã Quất Động, có quy mô diện tích khoảng 50ha, trong đó diện tích đất ở khoảng 17ha, còn lại là đất nông nghiệp. Đây được xác định là làng nghề thuộc danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển làng nghề gắn với du lịch của Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo tài liệu, Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành, sinh năm Bính Ngọ (1606) tại xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội). Năm Bính Tuất (1646), ông được cử đi sứ nhà Minh. Trong lần đi sứ này ông đã học được nghề thêu và đem về dạy cho dân làng Quất Động rồi sau đó phát triển rộng ra các địa phương khác.

Ông cũng truyền dạy lại cách làm lọng cho người dân ở địa phương. Để ghi nhớ công ơn ông, sau khi Lê Công Hành mất (năm 1661), nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn vinh ông là ông Tổ nghề thêu. Hiện đền thờ ông tọa lạc tại xã Quất Động. Ngôi đền cổ kính là một dấu tích lịch sử về nghề thêu có lịch sử lâu đời ở vùng đất này.

Nghề thêu làng Quất Động được chia thành 3 loại chính, Thêu tranh phong cảnh, hoa, động vật, địa danh…; Thêu chân dung Vua chúa, nhân vật lịch sử, nguyên thủ quốc gia,…; Thêu trang phục cung đình, phục chế trang phục…

 Những bức tranh thêu tinh tế, giàu cảm xúc của làng thêu Quất Động. Ảnh: Thế Dương.

Theo những người thợ thêu Quất Động, thêu tranh là loại hình sáng tác nghệ thuật kết hợp giữa hội họa, kỹ thuật và tâm hồn người nghệ nhân. Trong mỗi bức tranh phản ánh rõ cảm xúc người thêu, đường nét chỉ thêu tinh tế, thể hiện thần thái bức tranh. Nhiều bức tranh làng Quất Động nhận được sự yêu thích đặc biệt của du khách trong nước và quốc tế.

Còn thêu chân dung người nghệ nhân phải hiểu và cảm nhận được thần thái của nhân vật, sau đó thể hiện tinh thần đó qua những nét chỉ, nếu không có sự tinh tế thì sẽ không thể thể hiện tốt sản phẩm mỹ nghệ.

Với thêu và phục chế trang phục cung đình lại đòi hỏi sự tuân chỉ nghiêm ngặt những nguyên tắc đã quy định đối với trang phục cung đình, thể hiện thứ hạng của từng loại trang phục, màu sắc, hoa văn phải chính xác, không được phép sáng tạo.

Sản phẩm của các nghệ nhân thêu làng Quất Động rất đa dạng, từ các mặt hàng truyền thống như: câu đối, nghi môn, lọng, cờ, trướng, khăn trải bàn, các loại trang phục sân khấu cổ truyền…đến các bức tranh thêu phong cảnh, thêu chân dung sáng tạo như: nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, chân dung Lê Nin… Ngoài nghề thêu, nhiều nhà còn kiêm khâu vá, đính hạt cườm, gắn sừng, ráp túi xách…trên sản phẩm thêu. Mọi nhà đều làm trên đơn đặt hàng với mẫu mã cho sẵn hoặc tự sáng tác, cứ 2 ngày 1 lần, các đơn vị và du khách lại về mua và vận chuyển hàng đi các tỉnh thành cả nước.

Nghề thêu ở Quất Động không chỉ mang lại nguồn kinh tế đáng kể với người dân nơi đây, mà còn góp vào bức tranh văn hóa Thăng Long – Hà Nội những vùng sáng lung linh, rực rỡ.

N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN