Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở xã Nhân Quyền (Hải Dương)

Thứ Tư, 02/12/2015 09:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trước kia, Nhân Quyền là xã người đông, đất chật, diện tích đất canh tác bình quân thấp, thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với bước đi đúng, sáng tạo, vùng quê này đang "thay da, đổi thịt" và trở thành xã đầu tiên của tỉnh Hải Dương hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2014.

Xã Nhân Quyền ở phía Đông Nam của huyện Bình Giang, tinh Hải Dương, có diện tích tự nhiên 617 ha, đất nông nghiệp có 423 ha; xã có 4 thôn với hơn 7.000 khẩu, 2.029 hộ; nhân dân trong xã sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, làm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh buôn bán nhỏ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm và chúc mừng Đảng bộ,
chính quyền và nhân dân xã, đầu năm 2015. Ảnh: HH

Bắt đầu từ đổi mới tư duy

Vốn là một xã thuần nông nên việc thực hiện các chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia không phải là dễ. Công tác tuyên truyền được xã đặt lên hàng đầu để làm sao chuyển biến nhận thức trong nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch UBND xã Nhân Quyền chia sẻ, phải để cho nhân dân thấy rõ được sự thay đổi theo hướng tích cực thì họ mới làm chủ được mọi công việc. Từ việc chia lại ruộng đồng cho đến chọn giống cây trồng, vật nuôi hay việc cứng hóa đường nội đồng cũng phải bàn bạc cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho chính những người nông dân thì việc thực hiện mới được suôn sẻ và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía bà con. Từ nhận thức thống nhất, việc xây dựng nông thôn mới sẽ đem lại cuộc sống mới tốt đẹp hơn chính là động lực để người người, nhà nhà đều phấn đấu.

Hơn 10 năm nay, xã đã chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang. Điều quan trọng là khi xây dựng các công trình nông thôn mới, Nhân Quyền thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ. Người dân trực tiếp tham gia, kiểm tra, giám sát việc xây dựng các công trình phúc lợi. Vì thế, nhiều năm qua, xã luôn chủ động nguồn vốn trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Đến nay, xã có hệ thống trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; mọi con đường liên xã, liên thôn, ngõ, xóm được bê tông hóa; cơ bản "cứng hóa" đường giao thông nội đồng và hàng chục km hệ thống kênh mương. Cả 4 thôn trong xã đều là Làng văn hóa; có nhà văn hóa, tổ thu gom vệ sinh…

Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xã Nhân Quyền đã tập trung tuyên truyền nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, mở rộng đường nội đồng 3m-3,5m để thuận lợi cho nhân dân đi lại sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa máy cày, máy gặt vào làm giảm chi phí sản xuất, hạn chế tuốt, đập lúa rơm, rạ trên đường giao thông gây ô nhiễm môi trường. Việc đắp bờ lô to trên các cánh động đã mang lại hiệu quả rõ nét, được người dân hưởng ứng tích cực và nhân dân đã dồn ruộng, dành đất để đắp đường. Ngay từ vụ chiêm năm 2013, nhân dân 11 cụm sản xuất trong xã đều đóng góp theo kế hoạch để hoàn thành các đường nội đồng. Do đó đã khơi dậy được tính làm chủ, ý thức trách nhiệm của người dân khi tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhân dân trong xã đã hiến 56.150 m2 đất 03 để đắp đường nội đồng to rộng.

Cùng với đó, xã đã phối hợp với các cấp, các ngành để đưa cây, con giống mới về canh tác, tổ chức tập huấn cách chăm bón và phòng trừ sâu bệnh, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác; triển khai mô hình giống lúa chất lượng cao như T10, Bắc thơm số 7 một vùng, một giống. Mô hình làm phân vi sinh cho bà con nông dân bằng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, hạn chế chi phí, tăng  thu cho nông dân. Liên kết sản xuất giống lúa sạch giữa nhà Nhà nông - Nhà khoa học - Doanh nghiệp. Từ năm 2010, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế của xã có bước phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm tăng 10-12%, cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực... thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10 triệu đồng/năm trước đây đến năm 2014 là 29 triệu đồng.

Trong lĩnh vực xây dựng, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xã Nhân Quyền đã tiến hành khảo sát và bàn bạc thiết kế các tuyến đường làng cần mở rộng, xây dựng cống rãnh thoát nước có tấm đan, tấm đậy. Quy hoạch một số diện tích ao trong làng thành các diểm dân cư và hỗ trợ các thôn làm đường giao thông. Ai có công góp công, ai có sức góp sức và ai có kinh tế thì hỗ trợ về kinh tế, do đó việc làm đường nông thôn trên địa bàn xã rất thuận lợi. Làng bên, xóm dưới thi đua làm đường theo tiêu chuẩn đã được quy định. Các công trình giao thông cũng được làm mới và chỉnh trang nâng cấp nhiều hạng mục như: Mở rộng mặt đường, kết cấu nhựa và bê tông, xây rãnh thoát nước và bờ vỉa hai bên tuyến đường trục xã, vận động nhân dân nâng cấp và làm mới 98 tuyến đường làng, xóm, đường ra đồng với kinh phí trên 14 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ 20% bằng xi măng, toàn xã có 125 hộ dân hiến đất ở để mở rộng đường. Với các hạng mục công trình như: Nước sạch, trường mầm non, nhà đa năng, bể bơi của trường tiểu học, nhà đa năng của trường trung học cơ sở, nâng cấp nhà văn hóa, xây dựng sân thể thao xã với tổng kinh phí đầu tư  trên 36 tỷ đồng.

Xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề 8/3, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương mở 5 lớp dạy nghề cho hơn 300 chị em phụ nữ học nghề may, thêu để tạo việc làm cho lao động tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm giảm dần lao động nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, xã cũng đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", xây dựng gia đình văn hóa, giữ vững danh hiệu làng văn hóa, thành lập các câu lạc bộ bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền ở các thôn tham gia thể dục thể thao, chỉnh trang 3 công trình của gia đình mình, các trang trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. Hằng năm xã có hàng trăm em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Lĩnh vực văn hóa, giáo dục trong những năm qua luôn được xã quan tâm. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất như, xây mới, mua sắm các trang thiết bị đồ dùng phục vụ cho công tác giảng dạy của 3 nhà trường, đã từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường kỉ cương trường học và giữ vững trường chuẩn quốc gia. Để tạo không khí học tập và tạo ra nề nếp về giờ giấc học tập của các em học sinh, xã đã duy trì tiếng kẻng học tập từ nhiều năm nay vào 19h hằng ngày sau đó là gọi loa học tập. Công tác khuyến học được quan tâm, hàng năm đều tôn vinh, khen thưởng các dòng họ, các thày, cô giáo và các em học sinh tiêu biểu, các cháu thi đỗ đại học, cao đẳng nhằm tạo ra phong trào thi đua học tập từ nhà trường đến các dòng họ và gia đình. Hằng năm, Nhân Quyền có trên 90% học sinh tốt nghiệp PTTH và đào tạo nghề; 25- 35 học sinh thi đỗ đại học. Ba nhà trường (mầm non, tiểu học, THCS) đều đạt chuẩn quốc gia từ năm 2003-2004.

Công tác văn hóa văn nghệ được quan tâm, đội văn nghệ xã 03 lần dự liên hoan toàn quốc, nhiều lần đạt giải cao cấp tỉnh, huyện; cùng với việc triển khai xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa đã tạo ra động lực thúc đẩy các phong trào ở địa phương phát triển.

Hệ thống Chính trị của xã không ngừng được củng cố và hoàn thiện: Đảng bộ xã 10 năm liền (2003-2013) đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh cấp tỉnh; Chính quyền 13 năm (2000-2013) đạt Tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh; các ngành, đoàn thể luôn đạt đơn vị vững mạnh. Năm 2014, nhân dân và cán bộ xã Nhân Quyền được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014.

Ngày 06/02/2015 nhân dân và cán bộ xã Nhân quyền vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm. Chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước khẳng định, có được kết quả đó là nhờ có sự đoàn kết đồng lòng của cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân. Kinh nghiệm rút ra thực tiễn chương trình nông thôn mới tại Nhân Quyền sẽ là bài học kinh nghiệm cho các xã bạn, tỉnh bạn tham khảo, chuẩn bị cho các giai đoạn tiếp theo.

Lấy dân làm gốc để xây dựng nông thôn mới

Theo đồng chí Nguyễn Trung Trực, để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã biết kế thừa và phát huy rất nhiều bài học kinh nghiệm thành công từ các chương trình mục tiêu, các phong trào vận động quần chúng trước đây để vận dụng, sáng tạo vào xây dựng nông thôn mới; trong đó bài học xuyên suốt đó là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân quyết định đóng góp và hưởng thụ”.

Trong quá trình chỉ đạo, Đảng bộ, chính quyền phải bàn cái gì “dân cần”, làm cái gì “dân muốn” mọi tư duy phải xuất phát từ cái chung, vì dân, không vì lợi ích và cá nhân ai thì mới có hiệu quả bền vững, từ đó mới khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân là nhân tố quyết định thành công của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Đường giao thông liên thôn, liên xã được mở rộng
với sự đóng góp tích cực của nhân dân trong xã. Ảnh: HH

Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền, các ngành, đoàn thể chính trị xã hội phải đồng lòng, đồng sức đoàn kết, quyết tâm xây dựng phong trào vững mạnh toàn diện. Với những tiêu chí khó, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo cấp trên bằng cả tinh thần và vật chất cũng như cơ chế, chính sách.

Yếu tố quan trọng nữa theo đồng chí Chủ tịch xã là cần có đội ngũ cán bộ đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hành động quyết liệt bằng cả tấm lòng, tâm huyết với quê hương, trách nhiệm với phong trào. Bởi có những thời điểm đòi hỏi cả sự hy sinh quyền lợi của những người đi đầu khi hiến đất làm đường và các công trình phúc lợi.

Tuy đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, song theo đồng chí Nguyễn Trung Trực, không vì thế mà xã chủ quan. Đảng bộ, chính quyền xã luôn xác định, xây dựng thành công xã nông thôn mới đã khó, giữ vững xã nông thôn càng khó khăn hơn, từ nhận thức đó, xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số giải pháp cụ thể như: Tiếp tục tuyên truyền để cán bộ và nhân dân trong xã nhận thức sâu hơn về ý thức, trách nhiệm của quê hương khi đạt nông thôn mới, từ đó quyết tâm phấn đấu xây dựng nông thôn bền vững, đời sống dân chủ, ấm no, hạnh phúc, văn minh. Quản lý và triển khai xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch và đề án nông thôn mới đã được phê duyệt. Tiếp tục rà soát các tiêu chí còn đạt thấp, xây dựng kế hoạch tiếp tục phấn nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Xã tiếp tục có các cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc, khoa học kỹ thuật để cơ giới hóa nông nghiệp, khắc phục các khó khăn về giống; chú trọng tạo điều kiện để phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, xã luôn xác định phải huy động sức dân gắn với phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nhân Quyền, tin tưởng rằng, trong thời gian tới, một làng quê nông thôn giàu đẹp, trù phú và đổi mới sẽ luôn được gìn giữ và phát huy như mục tiêu chương trình quốc gia xây dựng nông nông thôn mới đã đề ra. Những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới đã được các cấp ghi nhận và sắp tới đây, xã cũng vinh dự là một trong những tập thể điển hình được dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, giai đoạn 2010-2015./.

 

Hiền Hòa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN