Kiên Giang: Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới
(ĐCSVN) - Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang, đến nay, tỉnh đã có một huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 57/118 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó giai đoạn 2011-2015 công nhận 18 xã, giai đoạn 2016-2018 công nhận 31 xã…
Theo đó, một huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới là huyện Tân Hiệp. Trong 118 xã của toàn tỉnh, Kiên Giang hiện có 57 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm 48,3%; 14 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, chiếm 11,9%; 42 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chiếm 35,6% và 5 xã đạt từ 6 đến 9 tiêu chí, chiếm 4,2%.
Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Kiên Giang, thời gian qua, Ban Chỉ đạo của tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình trên cơ sở những thành quả đã đạt được, bài học kinh nghiệm từ giai đoạn trước, đặc biệt sự vào cuộc của các ngành các cấp, các địa phương đã quan tâm tập trung chỉ đạo những nội dung trọng điểm trên địa bàn, hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Bộ máy chỉ đạo, điều hành Chương trình các cấp được hình thành đồng bộ, tập trung triển khai các chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới có chuyển biến rõ nét.
Thu nhập bình quân khu vực nông thôn ở Kiên Giang năm 2018 ước đạt 42,7 triệu đồng/người/năm, tăng 1,45 lần so với năm 2015 (29,5 triệu đồng); mức thu nhập bình quân xã đạt cao nhất 60 triệu đồng, trung bình xã có thu nhập khá từ 43,9 đến 53,7 triệu đồng, gồm các huyện Phú Quốc, Kiên Hải, Hà Tiên, Kiên Lương, Tân Hiệp, Giồng Riềng. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 83,1%, tỷ lệ dân số khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94,2%; tỷ lệ sử dụng điện an toàn 99%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ước 48%.
Đồng chí Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian tới, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh là phải gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, thay đổi phương thức sản xuất theo phương châm sản xuất nông nghiệp - kinh tế nông nghiệp - kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Được biết, trong giai đoạn 2016-2018, tỉnh Kiên Giang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, trường học, sản xuất nông nghiệp gắn liền với Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo… góp phần lớn làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất của người dân nông thôn nâng lên, góp phần xóa khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn.
Thời gian tới, tỉnh tập trung mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới tại bốn huyện là Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận và Kiên Lương, nâng số xã đạt chuẩn lên 61 xã. Cùng với đó, toàn tỉnh phấn đấu bình quân đạt 16 tiêu chí/xã trở lên và thu nhập trên 50 triệu đồng/người/năm.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị các cấp và người dân; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tăng thu nhập và giảm nghèo và xem đây là giải pháp căn cơ để thực hiện tiêu chí thu nhập, giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phải phát triển kinh tế đa ngành nghề tại nông thôn, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn nhằm mục đích cao nhất là tăng giá trị sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.v.v…/..