Kiên Giang: Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer
(ĐCSVN) – Việc thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025 là việc làm hết sức cần thiết, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chất lâu dài nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.
UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Quyết định số1201/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Trong những năm qua, việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương ở Kiên Giang quan tâm đầu tư. Hàng năm đều tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang tại huyện Gò Quao, duy trì hoạt động của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh và các chương trình phát thanh - truyền hình tiếng Khmer, hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao, tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa trong vùng đồng bào Khmer. Tuy nhiên, thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức nên còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí và nguồn nhân lực. Công tác vận động xã hội hóa chưa mang lại hiệu quả cao. Công tác truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer còn nhiều hạn chế, chủ yếu diễn ra tại cộng đồng, thiếu trường lớp, bài bản. Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer bị mất dần theo thời gian. Phong trào văn nghệ quần chúng vùng đồng bào Khmer đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhạc cụ, thiếu diễn viên, thiếu kinh phí. Nhiều đội, nhóm văn nghệ truyền thống Khmer không còn hoạt động.
Đề án đặt ra nhiệm vụ cụ thể bảo tồn và phát huy giá trị 10 loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang. (Ảnh: TL) |
Việc thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2025 là một việc làm hết sức cần thiết, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chất lâu dài nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Mục tiêu cụ thể của Đề án, điều tra, khảo sát nắm bắt thực trạng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Khmer hiện nay và nhu cầu của công chúng trong việc hưởng thụ giá trị các loại hình nghệ thuật này. Sưu tầm các bài bản, kịch bản, thông tin để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang. Xây dựng các sản phẩm truyền thông để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang bao gồm: Các bài viết, hình ảnh, video clip… đăng tải trên hệ thống báo, đài và biên soạn sách chuyên khảo về 4 loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu của tỉnh, gồm: Nghệ thuật âm nhạc và sân khấu dân gian Khmer, nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Khmer, văn học dân gian Khmer, lễ hội truyền thống Khmer ở Kiên Giang. Tổ chức trưng bày chuyên đề nghệ thuật truyền thống Khmer tại Bảo tàng tỉnh. Tổ chức hội thảo chuyên đề về thực trạng và giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu của tỉnh.
Đua ghe ngo của đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Báo Kiên Giang) |
Lập hồ sơ khoa học về 4 loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang gồm: Nghệ thuật múa truyền thống Khmer, lễ hội Okombook, nghệ thuật diễn tấu dàn nhạc ngũ âm Khmer, văn học dân gian Khmer, đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Mở các lớp truyền dạy về nghệ thuật truyền thống Khmer để tạo ra đội ngũ nghệ nhân, diễn viên, nhạc công kế thừa (trong đó ưu tiên mở các lớp cho đối tượng thanh thiếu niên Khmer về các loại hình nghệ thuật: Sân khấu Dù kê, ca múa dân gian Khmer, nhạc ngũ âm).
Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ văn hoá cơ sở, cán bộ nghiên cứu, nghệ sĩ sáng tác, dàn dựng, diễn xướng nghệ thuật truyền thống Khmer. Xây dựng 02 đội văn nghệ quần chúng Khmer có thể biểu diễn được dàn nhạc ngũ âm, nghệ thuật sân khấu Dù kê và múa hát dân gian để làm nòng cốt phát triển phong trào luyện tập, biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer tại những huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống. Thành lập và duy trì 02 câu lạc bộ ghe ngo nam và nữ tiêu biểu; hỗ trợ đóng mới 06 chiếc ghe ngo và 10 bộ dàn nhạc ngũ âm.
Hướng dẫn Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố vùng đồng bào Khmer thành lập mô hình câu lạc bộ văn nghệ truyền thống Khmer.Tổ chức phát động phong trào luyện tập, biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tổ chức định kỳ 02 năm một lần Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer ở cấp huyện và định kỳ 02 năm một lần Liên hoan nghệ thuật truyền thống Khmer ở cấp tỉnh.
Lựa chọn một số lễ hội tiêu biểu của đồng bào Khmer để tổ chức biểu diễn nghệ thuật sân khấu Dù kê và múa hát dân gian Khmer phục vụ du khách.Từng bước xây dựng nghệ thuật truyền thống Khmer thành sản phẩm du lịch văn hoá đặc trưng, góp phần quảng bá hình ảnh tươi đẹp về đất và người Kiên Giang. Phát động cuộc thi viết kịch bản mới cho nghệ thuật sân khấu Dù kê, dân ca Khmer, mời gọi các tác giả trong và ngoài tỉnh tham gia để thúc đẩy phong trào phát triển.Tổ chức biểu dương, tôn vinh các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer trên địa bàn tỉnh. Kịp thời đề xuất xét tặng các danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho các cá nhân đủ điều kiện theo quy định.
Đề án đặt ra 04 nhiệm vụ, đó là: Nhiệm vụ chung về bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer ở Kiên Giang (tổ chức các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer; các hoạt động truyền dạy, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống Khmer); nhiệm vụ chung về phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer; nhiệm vụ cụ thể bảo tồn và phát huy giá trị 10 loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer tiêu biểu ở Kiên Giang (bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa truyền thống của người Khmer, nghệ thuật sân khấu Dù kê; nghệ thuật chế tác nhạc cụ truyền thống Khmer; nghệ thuật âm nhạc truyền thống Khmer; nghệ thuật sân khấu Rô băm; nghệ thuật kiến trúc chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer; lễ hội truyền thống Khmer; nghệ thuật viết chữ Khmer trên sách lá; văn học dân gian Khmer; trang phục truyền thống Khmer); công tác tổ chức, chỉ đạo và khen thưởng. Đồng thời, đề ra 09 giải pháp để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.