Hưng Yên dâng hương tưởng niệm 226 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
(ĐCSVN)- Ngày 11/2 tức ngày 15 tháng Giêng năm Đinh Dậu, tại khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Bộ Y tế đã phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 226 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác( 1791- 2017) và trao giải Hải Thượng Lãn Ông lần thứ 4.
Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên dâng hương tưởng nhớ đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Dự lễ dâng hương có ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; PGS, TS, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Với lòng thành kính, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ Y tế và các đại biểu đã dâng hương tưởng nhớ đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - tấm gương tiêu biểu của người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh. Đồng thời ôn lại cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Ông sinh năm 1720, tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Liêu Xá, Yên Mỹ). Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho thế hệ sau nhiều di sản đồ sộ và quý giá như: bộ “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh”, bộ “Thượng kinh ký sự”... Các bộ sách này không chỉ có giá trị về mặt y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.
Trong lịch sử y học Việt Nam, ông là người đặt nền móng xây dựng y thuật. Ông đã có công sưu tầm, phát triển và bổ sung 305 vị thuốc nam, thu nhập tổng hợp trên 2.800 phương thuốc hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học nước nhà, mà còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, một nhân cách lớn của thời đại. Ông mất ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi 1791 tại xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng phát biểu tại lễ dâng hương
Phát biểu tại lễ dâng hương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng đã khẳng định tài năng, công đức và những đóng góp của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một tấm gương sáng mẫu mực về y đức, y thuật, một nhân tài kiện xuất, là người đã dựng “ngọn cờ đỏ thắm” trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng về y đức và y thuật cho đời sau noi theo. Ông không chỉ là niềm tự hào của nền y học cổ truyền Việt Nam mà còn là niềm tự hào của mảnh đất Hưng Yên.
Phát huy truyền thống, những năm qua, Hưng Yên luôn quan tâm, dành nguồn lực để đầu tư cho công tác y tế nói chung, phát triển y học cổ truyền nói riêng; quy hoạch các vùng chuyên canh dược liệu truyền thống góp phần cung cấp dược liệu cho thị trường.
Bộ Y tế biểu dương và trao thưởng cho 45 cán bộ y tế tiêu biểu
Tại buổi lễ, Bộ Y tế biểu dương và trao thưởng cho 45 cán bộ y tế tiêu biểu trong cả nước có thành tích xuất sắc trong việc kế thừa và bảo tồn, phát triển y dược cổ truyền Việt Nam.
Vào đầu giờ buổi sáng, Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi thăm quan thực địa và làm việc với lãnh đạo tỉnhHưng Yênvề việc đầu tư mở rộng Học Viện Y dược cổ truyền Việt Nam tại Khu Đại học Phố Hiến. Theo quy hoạch, dự án đầu tư mở rộng Học viện rộng gần 70 ha, đảm bảo chất lượng cao cho khoảng 8 nghìn sinh viên y dược khoa, học viên sau đại học; 10 nghìn sinh viên các ngành khác liên quan đến hoạt động và quản trị y dược cổ truyền gắn với kết hợp y học hiện đại. Cùng với khu hiệu bộ, giảng đường, ký túc xá, thư viện,… là các khu nghiên cứu công nghệ nuôi trồng dược liệu, lưu trữ gen, sản xuất thuốc. Khu Bệnh viện đa khoa được đặt gần hệ thống giao thông cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình để tiện phục vụ công tác cấp cứu, chữa bệnh kịp thời cho người dân. UBND tỉnhHưng Yênđã có thông báo vị trí địa điểm đất dành cho Học viện và đang trình Thủ tướng phê duyệt. |