Bước phát triển của huyện Văn Lâm sau 25 năm tái lập
(ĐCSVN) - Văn Lâm (Hưng Yên) là huyện giáp với thủ đô Hà Nội và được hưởng lợi lớn từ hành lang kinh tế, kỹ thuật, đô thị quan trọng của vùng Bắc bộ. Phát huy lợi thế đó, 25 năm qua, huyện đã đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giá trị sản xuất đã có bước phát triển vượt bậc so với ngày đầu tái lập. Từ đó, đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn huyện.
Sau 25 năm tái lập, huyện Văn Lâm có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực |
Sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Khi mới tái lập, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện còn nhỏ, lẻ chỉ có 12 doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, giá trị sản xuất mới đạt hơn 141 tỷ đồng. Với lợi thế vị trí địa lý và có Quốc lộ 5A, và các đường vành đai của Thủ đô đi qua, nên ngay sau khi được tái lập, huyện đã chủ trương đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được huyện chú trọng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Đến nay, Khu công nghiệp Phố Nối A với diện tích 594 ha, có 213 doanh nghiệp đang hoạt động; 10 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích hơn 466,7 ha và một số khu sản xuất tập trung. Tổng diện tích đất giành cho phát triển công nghiệp là 1.214 ha tăng gấp 50 lần so với năm 1999. Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn huyện là 1.832 doanh nghiệp, trong đó có 1.728 doanh nghiệp đang hoạt động đã tạo việc làm cho hơn 60.700 lao động trong và ngoài huyện.
Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đến nay đạt 133.412 tỷ đồng, gấp hơn 945 lần so với năm 2000. Sự phát triển của sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong 25 năm qua, đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn huyện.
Một dây chuyền sản xuất của công ty Phú Vinh – công ty nằm trên địa bàn huyện có doanh thu mỗi năm 1.300 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 130 tỷ đồng. |
Sản xuất công nghiệp phát triển đã thúc đẩy cho thương mại, dịch vụ phát triển, bên cạnh các chợ truyền thống được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, trong các khu dân cư đều hình thành điểm mua bán tập trung; dịch vụ nhà trọ, thương mại điện tử, bưu chính – viễn thông, vận tải, các trung tâm thương mại… chất lượng dịch vụ tốt đã tạo thành các khu trung tâm trong các khu dân cư và các xã, thị trấn theo hướng đô thị hóa, dần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm hàng hóa, giải trí và nâng cao mức sống của nhân dân. Đồng chí Vũ Văn Sữa, Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh cho biết: “Địa bàn thị trấn có 188 doanh nghiệp đang hoạt động và gần 2000 hộ kinh doanh tạo việc làm cho trên 4 nghìn lao động. Thị trấn có chợ Như Quỳnh- Trung tâm thương mại lớn và làng nghề Minh Khai, do đó dịch vụ vận tải, thương mại, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống… ngày càng phát triển. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất dịch vụ và thương mại của thị trấn đạt hơn 55 tỷ đồng”.
Không chỉ thị trấn Như Quỳnh mà ở nhiều xã khác trong huyện, các hoạt động thương mại, dịch vụ rất phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tổng giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện năm 2023 đạt 5.540 tỷ đồng, tăng 46 lần so với năm 1999.
Quan tâm phát triển nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới
Để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, huyện luôn quan tâm phát triển nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới, từng bước chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Nhiều cơ chế hỗ trợ, đề án về phát triển nông nghiệp được triển khai thực hiện; nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới và các quy trình, công nghệ được đưa vào sản xuất góp phần tăng nhanh năng suất, sản lượng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Huyện đã chuyển đổi trên 800ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Mở rộng trên 30ha sản xuất VietGap cho cây ăn quả, cây dược liệu; 15 sản phẩm được công nhận OCOP đạt 3 sao. Giá trị sản xuất/ha canh tác không ngừng tăng, năm 2023 đạt 210 triệu đồng/ha, gấp 7,12 lần so với năm 2000.
Một trong những địa phương có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả đó là ở xã Lương Tài. Đồng chí Nguyễn Đình Ngoan, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Xuân Đào cho biết: “Để việc trồng và tiêu thụ đạt hiệu quả cao năm 2023, UBND xã thành lập Tổ hợp tác trồng cây dược liệu xã Lương Tài, phân công tôi làm Tổ trưởng. Với diện tích hơn 9,3 ha đã được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cấp vùng sản xuất Vietgap- sản phẩm sản xuất, tiêu thụ chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua thu hái, năng suất trung bình đạt 12 tấn hoa tươi/ha, thu hái đến đâu được công ty thu mua đến đó. Hiệu quả kinh tế của mô hình đạt lãi thuần trên 243 triệu đồng/ha/vụ. Tính ra thu nhập gấp 2-3 lần so với cấy lúa, do đó nông dân rất phấn khởi, đang mở rộng diện tích”.
Mô hình trồng Cúc chi ở thôn Xuân Đào xã Lương Tài |
Từ những chủ trương phát triển kinh tế đó đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế của huyện. Cơ cấu kinh tế năm 2000 là: Công nghiệp-Dịch vụ-Nông nghiệp là: 22,3% - 27,8% - 49,9%; đến năm 2023 là 81,14 % - 14,50% - 3,36%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện năm 2023 đạt hơn 5.335 tỷ đồng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Văn Lâm đạt hơn 80 triệu đồng, tăng hơn 37 lần so với năm 1999.
Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Văn Lâm trở thành phong trào sâu rộng và và đã về đích sớm hơn so với kế hoạch đề ra. Đến năm 2018, 10/10 xã được công nhận xã NTM, Văn Lâm được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Phát huy kết quả đó, các tầng lớp nhân dân tiếp tục khí thế xây dựng NTM đạt chuẩn ở mức cao hơn. Cùng với sự ủng hộ của người dân và sự huy động của các cấp được trên 12.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng các tiêu chí về kết cấu hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 3/10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, 7/10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 19/79 khu dân cư được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sáng-xanh-sạch-đẹp.
Cảm nhận về nông thôn đổi mới, ông Nguyễn Văn Kiền ở thôn Đồng xá, xã Đại Đồng, năm nay 77 tuổi nói với tôi: “Từ khi tái lập huyện đến nay tôi thấy huyện mình có tốc độ phát triển khá nhanh, ở xã tôi nhiều con đường được nhựa hóa, buổi tối có hệ thống đèn chiếu sáng rất đẹp, nông thôn bây giờ chẳng kém gì thành phố. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, tôi tham gia hội Hán Nôm luôn nhận được sự quan tâm của các cấp. Đến nay hội Hán Nôm của huyện có 120 thành viên ở các xã, thị trấn, từ những hoạt động của hội, tôi tin rằng hội sẽ ngày càng phát triển”.
Phát huy truyền thống hiếu học tại địa phương
Là huyện có truyền thống hiếu học, văn hiến, anh hùng, các cấp ủy đảng, chính quyền ở Văn Lâm rất quan tâm đến sự nghiệp trồng người. Hằng năm huyện, xã, thị trấn đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Quy mô trường, lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Đội ngũ nhà giáo không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng đồng thời không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục. Năm 1999 huyện Văn Lâm chưa có trường đạt chuẩn Quốc gia, đến nay có 32/32 trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 22/32 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao, luôn là tốp đầu của tỉnh. Ngành giáo dục huyện đã được nhiều thành tích, năm học 2020-2021 được Cờ thi đua của UBND tỉnh Hưng Yên, năm học 2021-2022 được Bộ Giáo dục tặng bằng khen…
Dự án “Sản xuất trà thảo dược Tâm An” của học sinh trường THCS Dương Phúc Tư đạt giải nhì cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp Quốc gia lần thứ VI” |
Có được kết quả đó đồng chí Nguyễn Đức Hào, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Văn Lâm cho biết: “Xác định rõ đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển con người và nguồn nhân lực. Để công tác giáo dục và đào tạo đạt nhiều kết quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, phòng Giáo dục chúng tôi đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Đề án: “Tăng cường các điều kiện đảm bảo việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn huyện Văn Lâm. Từ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng chính quyền sự phối hợp của các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất trường học, tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đổi mới công tác quản lý giáo dục, triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Hằng năm huyện, xã, thị trấn có kế hoạch trích ngân sách tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho các trường …Từ đó, chất lượng giáo dục ở các cấp học trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên”.
Cùng với sự phát triển của giáo dục, Trung tâm y tế huyện được quan tâm nâng cấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được đầu tư theo hướng hiện đại; chất lượng và chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác y tế được nâng lên. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thông tin, tuyên truyền ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn huyện có trên 100 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, TDTT đang hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tiếp tục được quan tâm, đầu tư, phát triển. Truyền thống văn hóa của quê hương, đất nước được giữ gìn, bảo tồn, phát huy. Lễ hội Cầu mưa, xã Lạc Hồng được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội cầu mưa xã Lạc Hồng |
Cùng với những kết quả đạt được, 25 năm qua huyện Văn Lâm còn có một số hạn chế như việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn một số chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch từng năm. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chưa bền vững, sản xuất của hầu hết các làng nghề còn diễn ra tự phát, hoạt động không ổn định, còn gây ô nhiễm môi trường, sản phẩm chưa được đăng ký chất lượng, mẫu mã chậm cải tiến. Công tác quy hoạch có thời điểm chưa được chú trọng đúng mức, tình hình phát triển nói chung chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện.
Nói về phương hướng phát triển trong thời gian tới, đồng chí Phạm Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: “Nhận thức rõ những hạn chế, tồn tại trong thời gian qua, đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà quyết tâm đoàn kết, khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung khai thác tốt mọi nguồn lực, tiếp tục thực hiện 9 Đề án, các chương trình, nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện đã xây dựng. Mặt khác trong các năm tới tiếp tục xây dựng các nghị quyết, chương trình, đề án sát với tình hình thực tế trên địa bàn huyện nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, từng bước xây dựng quê hương Văn Lâm ngày càng giàu đẹp, văn minh. Phấn đấu đưa Văn Lâm lên đô thị loại IV vào năm 2025 và trở thành thành phố Văn Lâm trước năm 2030”./.