Hơn 3.000 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng DVC quốc gia
(ĐCSVN) - Tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) năm 2021 với chủ đề: "Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực tuyến, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025" vừa được VCCP và Bộ TT-TT tổ chức mới đây, ông Ngô Hải Phan- Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) nhận định: Chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng là thước đo của chuyển đổi số.
Trao đổi về định hướng phát triển Cổng dịch vụ công (DVC)- thúc đẩy hình thành Chính phủ số, ông Ngô Hải Phan cho biết, thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Nghị định số 45/2020/NĐ-CP, Hệ thống thông tin điện tử giải quyết TTHC đã được hình thành theo hướng đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, làm cơ sở hỗ trợ, thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử, cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3 và 4.
Trong đó, Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC và hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh đóng vai trò trung tâm, có sự kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành phục vụ xác thực định danh và giải quyết TTHC.
Riêng Cổng DVC quốc gia, từ tháng 12/2019 đến nay đã cung cấp 3.096 DVC trực tuyến (trong đó có 1.696 DVC cho công dân, 1.688 DVC cho DN); có trên 1 triệu tài khoản đăng ký; số hồ sơ đồng bộ trạng thái là 72 triệu. Đến nay 100% bộ, ngành, địa phương, 8 tập đoàn, tổng công ty, công ty và 15 ngân hàng, trung gian thanh toán kết nối với Cổng DVC quốc gia. Số giao dịch trên Cổng là 116.000, với tổng số tiền 258 tỷ đồng cho các dịch vụ thanh toán như phí, lệ phí, BHXH, BHYT, án phí...
Ảnh: TL |
Để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong giải quyết TTHC, ông Ngô Hải Phan cho biết sẽ tập trung vào một số giải pháp cụ thể, với phương châm “Lấy con người là trung tâm; cải cách dẫn dắt; công nghệ sẽ hỗ trợ, thúc đẩy” trong thực hiện chuyển đổi số.
Việc thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết TTHC sẽ tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm, như phát triển các nền tảng dùng chung trên Cổng DVC quốc gia (cơ sở dữ liệu TTHC; nền tảng thanh toán trực tuyến; hệ thống theo dõi, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC; hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị…) để tăng cường việc kết nối, tích hợp, chia sẻ, giảm chi phí đầu tư trùng lặp, chồng chéo.
Cũng theo ông Ngô Hải Phan, để việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thuận lợi, đơn giản, cần nghiên cứu, nhân rộng, thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC bằng dữ liệu theo thời gian thực, làm cơ sở tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành, khắc phục kịp thời các hạn chế, bất cập và nâng cao chất lượng phục vụ. Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
“Mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số chính là phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Đối với giải quyết TTHC thì việc nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng là thước đo đánh giá kết quả của chuyển đổi số. Việc này đòi hỏi có sự tham gia, chung tay của cả hệ thống chính trị, cá nhân, tổ chức để thực hiện tốt mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, phục vụ”- ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh./.