Học sinh Thái Nguyên vẽ tranh truyền tải thông điệp về bình đẳng giới
(ĐCSVN) - Những tác phẩm được các em học sinh 43 xã thuộc 6 huyện tỉnh Thái Nguyên tham gia Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 thể hiện, truyền tải thông điệp, mong muốn về một gia đình hạnh phúc, an toàn, không bạo lực và bình đẳng.
Kết thúc vòng sơ khảo cấp tỉnh, Ban Giám khảo đã chấm và lựa chọn 30 tác phẩm tranh vẽ và 12 video clip gửi tham gia Cuộc thi ở cấp Trung ương. |
Cuộc thi “Lắng nghe con nói” được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thái Nguyên triển khai theo kế hoạch của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Theo đó, từ tháng 7/2023 đến ngày 15/9/2023, Hội LHPN tỉnh đã nhận được 112 bài dự thi của trẻ em ở 43 xã thuộc 6 huyện tham gia Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2023 - thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Dự án 8).
Với cách thể hiện là tranh vẽ, tranh xé dán, video clip, các tác phẩm dự thi có nội dung phong phú, đa dạng, thể hiện ước mơ của trẻ em về gia đình hạnh phúc, không bạo lực, bình đẳng.
Kết thúc vòng sơ khảo cấp tỉnh, Ban Giám khảo đã chấm và lựa chọn 30 tác phẩm tranh vẽ và 12 video clip gửi tham gia Cuộc thi ở cấp Trung ương.
Cuộc thi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và sự tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, góp phần xây dựng môi trường an toàn để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trong môi trường gia đình; phát hiện những vấn đề đặt ra về bình đẳng giới trong gia đình. Trên cơ sở đó giúp Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp và các ngành liên quan thiết kế nội dung, hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức phù hợp với thực tiễn, đối tượng.
Đồng thời, tìm kiếm và lan tỏa các sáng kiến, sản phẩm truyền thông phù hợp với trẻ em dân tộc thiểu số; hỗ trợ cho hoạt động truyền thông, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hình thức thể hiện bài dự thi, gồm: Sáng tác tranh trên giấy, tranh chất liệu xé dán, tranh chất liệu sáng tạo từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương…. Hoặc quay video clip những tiểu phẩm do chính các em dàn dựng, clip phim tư liệu/phóng sự ngắn ghi lại những câu chuyện, hình ảnh quan sát được, thời lượng 3 - 10 phút/clip./.
"Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó", Điều 5, khoản 3, Luật bình đẳng giới. |