Hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
(ĐCSVN) - Những kết quả tích cực đạt được sau 10 năm thực hiện Đề án 1816 là các bệnh viện Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối đã chuyển giao cho bệnh viện tuyến dưới 5.441 kỹ thuật. Hầu hết các bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ được kỹ thuật và thực hiện tốt sau khi nhận chuyển giao.
Sau 10 năm triển khai Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (Đề án 1816), đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao vị thế của cơ sở y tế tuyến dưới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần được các cấp ngành, các đơn vị có liên quan cùng nhau tháo gỡ.
Những kết quả tích cực đạt được sau 10 năm thực hiện Đề án 1816 là các bệnh viện Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối đã chuyển giao cho bệnh viện tuyến dưới 5.441 kỹ thuật. Hầu hết các bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ được kỹ thuật và thực hiện tốt sau khi nhận chuyển giao. Cán bộ của các bệnh viện Trung ương và bệnh viện tuyến cuối đã luân phiên tham gia khám và điều trị cho gần 2,7 triệu lượt người bệnh; trực tiếp thực hiện gần 62.000 ca phẫu thuật, cứu sống nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ chuyển tuyến. Các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố đã cử 3.770 lượt cán bộ đi luân phiên, chuyển giao 3.514 kỹ thuật, khám, chữa bệnh cho gần 300.000 lượt người bệnh. Các bệnh viện tuyến huyện cử 3.834 lượt cán bộ xuống hỗ trợ tại 938 trạm y tế xã, đào tạo, chuyển giao 1.091 kỹ thuật và khám, chữa bệnh cho gần 3,6 triệu lượt người bệnh.
Theo Sở Y tế Hà Nội, Đề án 1816 đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới; nâng cao vị thế, uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh tại địa phương nhờ việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, tập huấn của cán bộ luân phiên thực hiện nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế địa phương. Đáng chú ý, hầu hết các kỹ thuật bệnh viện tuyến Trung ương chuyển giao đều được bệnh viện tuyến dưới thực hiện thường quy và thực hiện tốt cho nên người dân không phải lên tuyến trên, nhờ đó đã giúp giảm chi phí cho người bệnh và giảm chi phí cho các cơ sở y tế trong việc thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Mặc dù, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ta ngày càng được củng cố, hoàn thiện và phát triển. Các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, nhiều công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy công tác khám, chữa bệnh, nhất là các cơ sở tuyến dưới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiếu nhân lực có trình độ; khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, thiếu bác sĩ có chuyên môn tay nghề cao thuộc các chuyên khoa như sản, nhi, tâm thần, lao… Ngoài ra, có sự phân bố nhân lực không đều giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị. Sự chênh lệch về thu nhập ở các tuyến tạo xu hướng dịch chuyển cán bộ có tay nghề cao, chuyên môn giỏi từ tuyến dưới lên tuyến trên, từ công lập ra dân lập dẫn đến năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh còn nhiều hạn chế. Những bất cập, khó khăn này đã tạo ra khoảng cách chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các vùng miền có sự khác biệt rõ rệt, làm cho khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân còn hạn chế. Mặt khác, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới được ngân sách nhà nước, các chương trình, dự án hoặc các tổ chức quốc tế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị nhiều máy móc, thiết bị y tế nhưng không có cán bộ y tế đủ năng lực, trình độ khai thác dẫn đến lãng phí.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Đề án cũng cho thấy một số bệnh viện chưa làm tốt công tác khảo sát nhu cầu, cho nên thiếu thực tế và bị động, cử cán bộ đi luân phiên chưa sát với nhu cầu của nơi nhận. Tại các bệnh viện tuyến trên còn thiếu bác sĩ chuyên khoa để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ chuyên môn của tuyến dưới; kinh phí để triển khai hoạt động chuyển giao kỹ thuật chủ yếu vẫn phụ thuộc từ nguồn chi thường xuyên của các đơn vị; các quy định của bảo hiểm y tế về thanh toán cho các dịch vụ kỹ thuật sau khi chuyển giao cho cơ sở, chứng chỉ hành nghề, đào tạo liên tục… cũng là những rào cản ảnh hưởng không nhỏ tới sự tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ Y tế cần tiếp tục đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng nguồn vốn đối ứng của địa phương cho việc thực hiện Đề án. Các bệnh viện tuyến dưới nên tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật hiệu quả; cần chủ động lên kế hoạch nhận chuyển giao kỹ thuật, giữ mối liên hệ với cán bộ đã đi luân phiên tại địa phương để trao đổi thông tin khi cần thiết. Tăng cường tính tự quản, tính chủ động, tự quyết của các bệnh viện tuyến trên như lập kế hoạch, điều phối cán bộ đi công tác theo những mục tiêu, yêu cầu của các tỉnh, thành phố và Bộ Y tế chỉ đạo. Đẩy mạnh công tác giám sát, đào tạo liên tục cho tuyến tỉnh nhằm duy trì hiệu quả các kỹ thuật đã được chuyển giao… để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.