Hình tượng con gà trong tâm thức người Cơ Tu
(ĐCSVN) - Đồng bào Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam quan niệm rằng con gà gắn liền với mặt trời, là sự khởi đầu cho một ngày mới và là biểu hiện cho sự sống, khát vọng vươn lên cũng như ý chí và sức mạnh, niềm tin của con người. Gà là con vật rất gần gũi, gắn bó mật thiết trong đời sống xã hội, đồng thời mang ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh sâu sắc. Cộng đồng người Cơ Tu dùng gà làm con vật hiến sinh trong các lễ hội truyền thống của dân làng thể hiện mong ước và khát vọng vươn đến cuộc sống an lành, ấm no, hạnh phúc.
Trên đầu hồi của ngôi nhà làng truyền thống của người Cơ Tu đều có hình ảnh của con gà. |
Vật thiêng của người Cơ Tu
Tại các bản làng miền núi cao phía Tây tỉnh Quảng Nam, khi đã thu hoạch nương rẫy xong, đồng bào Cơ Tu ở 3 huyện: Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang lại rộn ràng chuẩn bị Lễ ăn mừng lúa mới. Đây được coi là lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Cơ Tu sinh sống dọc dãy núi Trường Sơn. Trong lễ hội này, vật tế lễ và vật thiêng được dâng lên thần linh ngoài con trâu thì không thể thiếu con gà. Bởi người Cơ Tu quan niệm rằng con gà gắn liền với mặt trời, là sự khởi đầu cho một ngày mới và là biểu hiện cho sự sống, khát vọng vươn lên mạnh mẽ cũng như ý chí và sức mạnh, niềm tin của con người. Lúa rẫy sau khi thu hoạch sẽ để vào kho thóc của làng hoặc cất ở nhà riêng, khi muốn đem ra ăn hoặc làm giống cho mùa sau phải tổ chức Lễ ăn mừng lúa mới để tạ ơn các vị thần linh như: Trời; Đất; Sông; Suối; Thần Rừng… và con gà chính là vật cúng trang trọng, linh ứng nhất để dâng kính và kết nối với các vị thần.
Con gà chính là vật cúng trang trọng, linh ứng nhất để dâng kính và kết nối với các vị thần trong Lễ ăn mừng lúa mới. |
Già làng Clâu Nhấp (thôn Pơrning, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Khi hết mùa, lúa để trong kho, nếu không cúng con gà không lấy ra được, trước đây khi không có máy xay xát, muốn giã gạo bằng cối, bằng chày cũng phải mổ gà, mình cúng gà mừng cây lúa mình làm ra trong suốt một năm qua. Còn khi ăn Tết (Cha Pling) mình cúng gà trống tơ, thịt heo, asiu tapriêng (cá suối khô), bánh acuốt… mình xin Giàng ban cho một năm mới mùa màng tốt tươi, dân làng khỏe mạnh”.
Hình tượng con gà trong tâm thức người Cơ Tu
Ở ngôi nhà làng truyền thống hình tượng con gà gắn bó khăng khít với người dân được các nghệ sĩ dân gian khắc hoạ rõ nét . |
Trong tâm thức người Cơ Tu, gà không chỉ gắn bó với đời sống nông nghiệp của cư dân sinh sống dọc dãy núi Trường Sơn mà còn gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào, là sợi dây liên kết giữa con người với các đấng thần linh. Nên trong các nghi lễ, hay kiến trúc quan trọng của dân tộc Cơ Tu luôn có loại linh vật này xuất hiện ở vị trí trang trọng nhất. Bởi vậy hình ảnh của gà được nghệ nhân dân gian Cơ Tu tự tay điêu khắc, thể hiện đầy sinh động qua các tác phẩm điêu khắc ở Gươl (ngôi nhà làng truyền thống).
Hầu như ở ngôi nhà làng truyền thống nào của người Cơ Tu ở 3 huyện: Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang (Quảng Nam) thì hình ảnh con gà luôn xuất hiện. “Vật thiêng” được các nghệ nhân dân gian người Cơ Tu đề cao và chiếm vị trí quan trọng ở ngôi nhà làng truyền thống với nhiều bản chạm khắc, tô vẽ ở cột cái hay trụ chính: Hình 2 đầu gà trống nằm đối xứng nhau, oai vệ, vươn cổ cất cao tiếng gáy như thể báo thức cho mọi người vào mỗi buổi sáng, thể hiện cuộc sống yên bình của ngôi làng. Trên các tấm ván của ngôi nhà làng truyền thống, hình ảnh con gà cũng được thể hiện qua bức phù điêu mô tả, tái hiện lễ hội truyền thống của cộng đồng. Đặc biệt, trên đầu hồi Gươl-linh hồn của người Cơ Tu, thường khắc họa hai con gà trống (ta coai), với tư thế vươn cổ gáy cao, nhìn từ xa xa trông giống như hai con trâu đực nằm nối đuôi, hướng hai đầu hai phía biểu hiện sức mạnh của làng, của dân tộc Cơ Tu.
Trong đời sống của người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam, con gà không chỉ là khát vọng vươn tới của những con người sống lương thiện, hiền hòa, chất phát mà nó còn là đối tượng nghệ thuật đầy cảm hứng của nghệ sĩ dân gian người Cơ Tu dành để trang trí cho ngôi nhà làng thêm xinh đẹp, ấm cúng. Đó cũng là chất men gây cảm hứng cho các nghệ sĩ dân gian Cơ Tu trong quá trình sáng tạo nghệ thuật làm đẹp cho rừng núi, bản làng giữa đại ngàn Trường Sơn.