Rực rỡ văn hóa Cơ Tu giữa lòng Thủ đô
(ĐCSVN) – Không gian văn hóa Tây Nguyên tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là nơi hội tụ và tái hiện những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc miền núi. Với tinh thần giữ gìn bản sắc và phát triển kinh tế - du lịch bền vững, nơi đây đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước.
Trong không gian này, Làng dân tộc Cơ Tu nổi bật như một vùng sáng văn hóa với những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, hòa quyện giữa kiến trúc độc đáo, phong tục tập quán đặc trưng và các giá trị nghệ thuật in đậm sắc màu đại ngàn.
Nhà Gươi của người Cơ Tu tại Ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em. |
Cộng đồng người Cơ Tu, cư trú chủ yếu ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) và một phần tỉnh Thừa Thiên Huế, từ lâu đã xây dựng một nền văn hóa giàu bản sắc. Dưới mái nhà chung của 54 dân tộc anh em tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), Làng Cơ Tu được tái hiện với những công trình kiến trúc tiêu biểu như nhà Gươi – biểu tượng linh thiêng, nơi kết nối đời sống tâm linh và cộng đồng. Nhà Gươi không chỉ là nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng như lễ mừng nhà mới, lễ cúng thần linh mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, nơi bảo tồn những giá trị truyền thống quý giá của dân tộc Cơ Tu.
Điểm nhấn đặc sắc tại Làng Cơ Tu chính là những lễ hội văn hóa truyền thống, như lễ hội mừng lúa mới, dựng cây nêu, hay điệu múa Tung tung da dá. Trong không gian nhà Gươi, tiếng cồng chiêng ngân vang hòa cùng nhịp điệu của những đôi chân múa uyển chuyển, tái hiện cuộc sống gần gũi với thiên nhiên và tinh thần lạc quan, yêu đời của đồng bào. Các nghệ nhân Cơ Tu còn mang đến những màn trình diễn ấn tượng về nghề dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ, và các loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng, giúp du khách hiểu thêm về văn hóa Tây Nguyên đậm chất đại ngàn.
Duyên dáng điệu vũ Tân tung Da dá của người Cơ Tu. |
Kể từ năm 2015, Làng Cơ Tu tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã trở thành nơi kết nối giữa quá khứ và hiện tại, nơi đồng bào Cơ Tu từ khắp các vùng miền trở về để giới thiệu và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Những điệu múa, bài hát, lễ hội và phong tục tập quán được tổ chức thường xuyên không chỉ là cầu nối văn hóa giữa cộng đồng Cơ Tu với du khách mà còn là minh chứng sống động cho sự đoàn kết trong đa dạng của 54 dân tộc Việt Nam.
Nền văn hóa Cơ Tu không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng mà còn là tài sản quý giá của dân tộc, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Những hoạt động tại Làng Cơ Tu không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn là nguồn cảm hứng để cộng đồng các dân tộc chung tay xây dựng một nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đậm đà bản sắc trong thời kỳ hội nhập.