Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiệu quả từ Dự án hỗ trợ người nghèo nuôi bò ở Sóc Trăng

Thứ Sáu, 08/12/2017 13:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với người nông dân, nhất là nông dân nghèo ở tỉnh Sóc Trăng, bò được coi là con vật nuôi xoá đói, giảm nghèo mang lại hiệu quả rất nhanh. Nắm bắt được xu thế này, một dự án nuôi bò sữa được hình thành đã và đang cải thiện đáng kể đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở vùng thuộc Chương 135 của tỉnh.

Nuôi bò sữa giúp nhiều hộ đồng bào Khmer thoát nghèo

Đây là dự án được Chính phủ Canada tài trợ không hoàn lại hiện được đánh giá thành công và cho hiệu quả cao nhất, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động. Dự án này cũng nằm trong chủ trương huy động nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế cho Chương trình 135.

Xuất phát điểm là 2.452 con bò của dự án, sau đó đã được chuyển giao cho bà con người dân tộc Khmer sinh sống tại các xã thuộc Chương trình 135 ở các huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Vĩnh Châu. Sau 3 năm hoạt động, đến nay tổng đàn bò sữa của dự án đã phát triển lên 4.498 con.

Trước đây, nuôi bò là nghề truyền thống lâu đời của bà con Khmer Sóc Trăng tập trung nhiều ở các huyện Mỹ Xuyên và Vĩnh Châu. Để nâng giá trị bò cho sản phẩm thịt tốt, có trọng lượng, mau lớn… những năm gần đây, bò lai sind đã thoả mãn được nhu cầu của người nuôi phù hợp với điều kiện đất đai Sóc Trăng. Giờ đây, nuôi bò trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, điển hình như ở xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú). Đến nay, toàn xã đã có hơn 200 hộ nuôi bò với tổng đàn gần 1.850 con. Trong đó bò lai sind có 1.600 con, còn lại là bò sữa.

Với sản lượng sữa ban đầu chỉ đạt 1.000 kg/ngày, nay đã tăng lên 5.000 kg/ngày được Công ty sữa Vinamilk Cần Thơ bao tiêu sản phẩm. Nếu chăm sóc tốt người nuôi bò sữa có thu nhập trên 20 triệu/con/năm.

Để giúp nông dân xóa nghèo, Hội Nông dân các huyện trong tỉnh Sóc Trăng đã đứng ra hỗ trợ giúp cho mỗi hộ dân vốn vay để nuôi bò và tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Do vậy, đàn bò ở Sóc Trăng ngày càng tăng và phát triển nhanh lên đến 40.000 con.

Hiện nay, để đáp ứng như cầu thức ăn cho đàn bò sữa đang tăng nhanh, tỉnh Sóc Trăng cũng có kế hoạch mở rộng diện tích các vùng trồng cỏ chuyên canh. Việc mở rộng phát triển diện tích vùng trồng cỏ chuyên canh cũng đã và đang tạo ra nhiều công ăn việc làm, mở ra thêm hướng thoát nghèo cho cho người dân nghèo, nhất là đồng bào dân tộc Khmer./.

Hoàng Thu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN