Hiệu quả thoát nghèo bền vững từ Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tại Gia Lai
Tỉnh Gia Lai có 26 xã thuộc 5 huyện vùng khó được hưởng lợi từ Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn là K'Bang, Konchoro, Krôngpa, Ia Pa và Đăk Đoa.
Ảnh minh họa: baogialai.com.vn
Trong 5 năm qua, các xã được hưởng lợi từ Dự án đã có thêm nhiều điều kiện thuận lợi và cần thiết để phát triển sản xuất, ổn định và từng bước nâng cao mức sống, thoát nghèo mang tính bền vững cao. Hơn 16.000 hộ nghèo và cận nghèo tại 26 xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số người J'rai và Bahnar chủ động tham gia các hoạt động của dự án và mang lại hiệu quả rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các xã từ 54,11% năm 2011 đến nay đã giảm xuống còn 25,6% .Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở Gia Lai đã triển khai thực hiện có hiệu quả các hợp phần quan trọng như thể chế hoá Nghị quyết về "Tam nông", trong đó chủ yếu tập trung năng lực phát triển kinh tế theo định hướng thị trường; phát triển và hợp tác với khu vực tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp... Các xã đã hình thành được hàng trăm nhóm chung sở thích để cùng nhau phát triển các mặt hàng, gắn liền với hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tạo nên các chuỗi hàng hóa phù hợp với từng vùng. Huyện Krôngpa phát triển chuỗi nuôi và vỗ béo bò; huyện K'Bang trồng mía, huyện Đăk Đoa trồng cà phê, huyện Ia Patrồng mì (sắn) ... Trước mắt, có 7 doanh nghiệp trực tiếp tham gia cùng với gần 2.000 hộ nông dân để phát triển các ngành hàng, đồng thời kết nối thị trường cho hàng ngàn hộ nông dân cùng chung nhóm sở thích với nhiều doanh nghiệp nông nghiệp khác. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ giải quyết vấn đề nông dân vay nợ của các thương lái và các đại lý thu mua qua mỗi mùa vụ sản xuất với lãi suất cao trước đây, các nhóm đã huy động được các khoản tiết kiệm ban đầu với giá trị trên 3 tỷ đồng và thực hiện cơ chế cho vay xoay vòng trong cộng đồng dân cư.
Dự án còn đầu tư xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng 166 công trình phục vụ đời sống và sản xuất của người dân tại 26 xã trong vùng dự án, gồm 10km kênh mương thủy lợi, 40 km đường giao thông nông thôn, khai hoang gần 70ha đất canh tác... Hầu hết, các công trình đều phát huy tác dụng, người nghèo có thêm quỹ đất để phát triển sản xuất, có nguồn nước tưới ổn định và đi lại thuận lợi trong cả hai mùa mưa - nắng.
Ông K'Pă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong những năm qua đã mang lại hiệu quả rõ rệt, không những người dân tại 26 xã được hưởng lợi giảm nghèo nhanh và mang nhiều yếu tố bền vững mà còn góp phần vào công cuộc "xóa đói - giảm nghèo" chung của toàn tỉnh. Trong thời gian tới, Ban Điều phối Dự án cùng với các ngành có liên quan cần tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình mới, cách làm sáng tạo có hiệu quả từ các hoạt động hợp phần của dự án, nhằm thu hút đông đảo nông dân nói chung và các hộ nghèo nói riêng tự nguyện tham gia vào các nhóm chung sở thích, đảm bảo khai thác tiềm năng, thế mạnh và tạo nguồn thu ổn định cho mỗi gia đình./.