Bạc Liêu: Xây dựng Phước Long thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu
Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện vùng sâu Phước Long, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục xây dựng, phấn đấu đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020.
Ông Đặng Tiến Út, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phước Long cho biết, để đạt mục tiêu trên, huyện xây dựng kế hoạch “ Về việc đẩy mạnh xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao - công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn, giai đoạn 2018- 2020” và thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” để đạt tốc độ tăng trưởng đến năm 2020 là 7,96%; thu nhập bình quân đầu người đạt 52,7 triệu đồng/người/năm.
Theo đó, huyện Phước Long tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thích ứng biến đổi khí hậu. Huyện thực hiện tốt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các xã theo mô hình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu...
Bên cạnh đó, huyện đầu tư hệ thống điện liên xã đồng bộ theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống, đến năm 2020 tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn đạt từ 99% trở lên; tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; phấn đấu đến năm 2018 đạt 87%, năm 2019 đạt 92%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt 98% trở lên.
Trong xây dựng huyện nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, Phước Long phấn đấu đến năm 2020 có 100% xã có khu thể thao, xây dựng 67/67 nhà văn hóa - khu thể thao ấp đạt chuẩn theo quy định và công nhận hộ đạt chuẩn văn hóa từ 98% trở lên; có 90% trở lên hộ gia đình thực hiện tốt những giá trị tốt đẹp văn hóa truyền thống địa phương; xây dựng cộng đồng dân cư văn minh, dân chủ, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau, thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo từ thiện. Mỗi xã thành lập một đội thông tin cổ động, 1 – 2 câu lạc bộ và mỗi ấp thành lập 2 - 3 mô hình văn hóa tiêu biểu hoạt động thường xuyên, hiệu quả, thu hút nhiều người dân của xã tham gia. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2020 huyện không còn hộ nghèo…
Huyện tập trung chỉ đạo tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, mở rộng các mô hình sản xuất, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động và tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Đến năm 2020 trên địa bàn huyện số người có việc làm trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt 90% trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 65% trở lên. Huyện tiếp tục đầu tư xây dựng mới 8 trạm cấp nước sạch tập trung nhằm cung cấp nước sạch đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân; trên 98% hộ dân có cảnh quan, không gian nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương...
Ông Huỳnh Thanh Sơn, Phó Văn phòng Điều phối thuộc Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Bạc Liêu khẳng định, ngay khi Trung ương có chủ trương, Phước Long là huyện sớm nhất ở đồng bằng sông Cửu Long triển khai đề án xây dựng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu bằng những tiêu chí rất cụ thể. Điều đó cho thấy sự năng động và nhạy bén của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện với tinh thần quyết tâm cao thực hiện đạt kế hoạch đề ra.
Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu huyện Phước Long Phạm Thanh Hải cho biết, tổng nguồn vốn dự kiến thực hiện, giai đoạn 2018 - 2020 hơn 360 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước hơn 278 tỷ đồng, vốn vận động gần 20 tỷ đồng, vốn vay gần 53 tỷ đồng và vốn nhân dân đóng góp hơn 9 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm, nhân dân trên địa bàn còn đầu tư vốn phát triển sản xuất trên 320 tỷ đồng. Tuy địa phương còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Phước Long đã và đang huy động mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện đạt theo kế hoạch.
Theo ông Đặng Tiến Út, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phước Long nhấn mạnh, quan điểm của Đảng bộ huyện, xây dựng nông thôn mới là một quá trình thường xuyên, liên tục, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong huyện. Để đạt mục tiêu trên các cấp, các ngành cần tuyên truyền sâu rộng cho người dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của chủ trương xây dựng nông thôn mới nâng cao, giúp người dân thấy được những lợi ích và tích cực tham gia thực hiện…/.