Hà Nội: Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”
(ĐCSVN) - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị tập trung cụ thể hóa, đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống, tiếp tục triển khai hiệu quả phát triển công nghiệp văn hóa gắn với việc định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.
Chương trình nghệ thuật biểu diễn tại hội nghị.
|
Ngày 6/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Tham dự hội nghị có: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố và các địa phương.
Hà Nội đi đầu trong tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể
Trong 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Trung ương, Thủ đô Hà Nội đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo và phát huy tốt những thành tựu và đã đạt hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể của Hà Nội, từng bước đáp ứng yêu cầu cũng như xu thế của thời đại.
Trong đó, Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Hiện nay, Hà Nội có gần 6.000 di tích, trong đó có 1 di sản thế giới, 20 di tích quốc gia đặc biệt, gần 1.170 di tích cấp quốc gia, 1.500 di tích cấp thành phố và 3.238 di tích.
Cùng với đó, công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về văn hóa được Thành ủy Hà Nội triển khai thực hiện ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý. Công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới được thực hiện chặt chẽ, đã ngăn chặn và xử lý kịp thời những sự việc phức tạp xảy ra trên địa bàn.
Đồng thời, Hà Nội thường xuyên quan tâm chăm lo và phát huy được trách nhiệm, tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, cộng đồng xã hội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh…
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong và các đại biểu xem trưng bày bên lề hội nghị. |
Trên cơ sở kết quả đạt được, Hà Nội tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 và những năm tiếp theo: Tổ chức 3.000 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp hằng năm; đón và phục vụ 35-39 triệu lượt khách du lịch trong đó có 8-9 triệu lượt khách quốc tế; tỷ lệ trường học công lập các cấp đạt chuẩn quốc gia là 80-85 %; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 55 - 60%.; 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 65 % làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; 100% tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hóa; nâng số lượng các di tích được xếp hạng.
Xác định rõ mục đích và coi văn hoá là động lực phát triển của Thủ đô
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là sau gần 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn thống nhất quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, văn hoá đóng vai trò quan trọng trong phát triển Thủ đô, Đảng bộ thành phố đã luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo những quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, xây dựng con người phù hợp với điều kiện Thủ đô. Lãnh đạo thành phố Hà Nội các nhiệm kỳ luôn quan tâm đến việc phát triển văn hoá và xây dựng người Hà Nội, coi văn hoá là động lực phát triển của Thủ đô.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh, xác định rõ mục đích và trọng tâm phát triển của Thủ đô, Thành uỷ đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách đúng đắn, như: Ban hành 2 Bộ tiêu chí Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức viên chức trong cơ quan Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng; Nghị quyết 09-NQ/TU Hà Nội 2022 phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông và Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy cho 10 tập thể, 10 cá nhân.
|
“Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, Nghị quyết 33-NQ/TW đã thực sự thẩm thấu và lan tỏa trong cuộc sống của Thủ đô hôm nay. Việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người Thủ đô đã có bước phát triển mới đáng tự hào. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Có được kết quả như vậy có sự tham gia, nỗ lực của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học…”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Thẳng thắn nhìn nhận những điểm còn tồn tại, hạn chế, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, phát triển văn hoá, xây dựng con người không phụ thuộc vào xuất phát điểm thấp hay cao mà quan trọng là nhận thức và quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo. Vì vậy, các địa phương, các cấp, ngành, đơn vị cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, tập trung cụ thể hóa, đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống; tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, gắn với việc định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.
Các địa phương, đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm những chính sách mới liên quan đến lĩnh vực văn hoá, nhất là việc đầu tư công, quản trị tư; đẩy mạnh giao lưu và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hoá, giáo dục; chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hoá; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và làm văn hoá chuyên nghiệp…
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội đã tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI trên địa bàn thành phố Hà Nội./.