Giữ gìn “phần hồn” cho nông thôn mới
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang mang lại lợi ích thiết thực, làm đổi thay bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng sống của người dân. Nhiều vùng quê đói nghèo đang dần khởi sắc, kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng được xây dựng, sửa sang nhất là đường giao thông được cứng hóa, bê tông hóa… thuận tiện cho người dân đi lại và phát triển giao thương. Đó là những thay đổi đáng mừng.
Tuy nhiên, cùng với những bước tiến về đời sống vật chất, hạ tầng nông thôn, không ít vùng quê NTM hiện đã xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực làm ảnh hưởng tới nếp sống văn hóa và mai một tình nghĩa láng giềng. Mới đây, trong báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2010 - 2015 về phát triển văn hóa nông thôn, đã nêu rõ: Phát triển văn hóa nông thôn chưa đầy đủ; một số trung tâm văn hóa, thể thao xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn xây xong nhưng bỏ không; nhiều mô hình văn hóa thiếu bền vững, hiệu quả thực hiện chưa cao, không thực chất, “phần hồn” còn bị xem nhẹ. Đặc biệt, ở một số địa phương, nếp sống văn hóa bị lệch chuẩn.
Tìm hiểu thực tế tại một số địa phương ở Nam Bộ, chúng tôi thấy ở nhiều xã NTM, sợi dây gắn kết gia đình, họ hàng đã và đang "lung lay" khi xảy ra nhiều vụ cha con, anh em bất hòa, kiện tụng, thậm chí ẩu đả lẫn nhau chỉ vì mảnh đất cỏn con sát đường giao thông vừa được hình thành từ chương trình NTM. Đường bê tông đến đâu, dịch vụ mọc ra đến đấy, kéo theo sự du nhập những sản phẩm văn hóa lai căng, nhất là các dịch vụ giải trí thiếu lành mạnh, tệ nạn xã hội, nạn đua xe của thanh thiếu niên, gia tăng các vụ tai nạn giao thông…
Thêm vào đó là sự thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả của những thiết chế văn hóa và sự nghèo nàn, khô cứng trong tổ chức hoạt động nên không thu hút được người dân… Những giá trị truyền thống từ làng xã, những nhân tố định vị bản sắc văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một.
Những hạn chế đó là do quá trình triển khai thực hiện ở nhiều địa phương chưa toàn diện, hài hòa, hợp lý giữa các thành tố trong tổng thể chương trình; vai trò quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở chưa toàn diện. Bởi thế, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở nhiều vùng NTM chưa tương xứng với quá trình đầu tư, phát triển về kinh tế, hạ tầng cơ sở.
Mục tiêu của xây dựng NTM là để phát triển toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, rút ngắn khoảng cách thành thị, nông thôn, bảo đảm cho nông thôn Việt Nam có diện mạo mới trên tinh thần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và giữ gìn thuần phong, mỹ tục đã được hình thành suốt chiều dài lịch sử. Đây cũng là cơ hội để bồi đắp tình cảm, tình yêu quê hương, đất nước, yêu mảnh đất mà mỗi người đã sinh ra, lớn lên trong hơi ấm gia đình và nghĩa tình làng xóm.
Cho nên, sự đồng bộ, hài hòa cả đời sống vật chất với văn hóa, tinh thần trong xây dựng NTM là điều cốt lõi. Cần kết hợp xây dựng NTM với chọn lọc, lưu giữ, phát huy nét đẹp văn hóa làng quê và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. NTM với văn hóa làng và làng văn hóa có mối quan hệ khăng khít, bởi xét đến cùng đều vì mục tiêu xây dựng con người mới, đời sống mới, nếp sống văn minh, đẩy lùi tiêu cực, ngăn chặn sự lệch chuẩn về văn hóa trong cộng đồng mà trước hết là vùng nông thôn. Để làm được điều đó, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp, đặc biệt là hệ thống chính trị từ thôn, xóm, làng, xã... Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp sự đồng thuận của người dân để chung tay phát triển kinh tế, củng cố các giá trị văn hóa, đạo đức, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.. .