Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

"Điểm tựa" cho người cao tuổi

Thứ Ba, 01/10/2024 06:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới, đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm. Cùng với việc mở rộng "lưới an sinh" thì việc hỗ trợ tạo sinh kế có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm “điểm tựa" vững chắc cho người cao tuổi.

Chỗ dựa an sinh

Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo của Tổng cục Thống kê là năm 2017. Năm 2023, cả nước có hơn 16 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 15% dân số, dự báo đến năm 2038 là 20% và đến năm 2050 sẽ là 25%).

Già hóa dân số là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh, đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm...

Ảnh minh hoạ (Nguồn: TTXVN) 
Xác định người cao tuổi là "vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam", từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác người cao tuổi, với nhiệm vụ trọng tâm là không ngừng chăm sóc, nâng cao sức khỏe cũng như phát huy vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng. Điều này thể hiện thông qua việc Đảng, Nhà nước đã ban hành, thực hiện nhiều chủ chương, chính sách, chiến lược, chương trình, đề án cụ thể. 

Điển hình, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đã bổ sung thêm trợ cấp hưu trí và bổ sung thêm chính sách trợ cấp hàng tháng đối với người tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của Luật mới là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Trong đó giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (hiện hành là 80 tuổi). Riêng đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

“Với quy định sửa đổi lần này, khi Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, dự kiến có thêm khoảng 1,2 triệu người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng” - ông Nguyễn Duy Cường, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết.

Ngoài chính sách trợ cấp hưu trí, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Theo đó, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình. Đặc biệt, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

Có thể nói, những chính sách cụ thể trên mang ý nghĩa rất lớn, góp phần tạo "chỗ dựa an sinh" cho người cao tuổi.

Tạo sinh kế cho người cao tuổi

Cùng với việc phủ “lưới an sinh”, việc tạo sinh kế cho người cao tuổi đang được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, nhất là trong bối cảnh Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. 

Thực tế, hiện nay phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Người lao động cao tuổi có rất ít lựa chọn việc làm, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc, như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già ... Người cao tuổi cũng không dễ dàng tìm được công việc phù hợp, trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở Việt Nam vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành. 

Trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã bổ sung riêng 1 mục về chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi. Theo đó, người cao tuổi còn khả năng lao động, có nhu cầu làm việc được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tư vấn việc làm, chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, đào tạo nghề; giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động qua trung tâm dịch vụ việc làm; cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm.

Căn cứ điều kiện kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ và khả năng cân đối ngân sách, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động nhằm thích ứng bối cảnh già hóa dân số. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động tuyển dụng và sử dụng người lao động là người cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe và khả năng.

Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam chỉ rõ, đặc điểm người cao tuổi của chúng ta chủ yếu còn khỏe, độ tuổi từ 60 - 69 tuổi chiếm 65%. Hiện nay có 2/3 người cao tuổi không có lương hưu và từ 75 tuổi trở lên có trợ cấp và mức rất thấp. Vì vậy, theo ông, việc dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung chính sách việc làm cho người cao tuổi là một bước tiến rất lớn so luật hiện hành. 

Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cũng cho hay, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của cơ quan này, hiện có khoảng 7 triệu người cao tuổi đang lao động sản xuất, tạo thu nhập, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, người cao tuổi chưa được quan tâm vấn đề dạy nghề, chuyển đổi ngành, vay vốn, thu nhập thấp...

Khẳng định nhu cầu việc làm của người cao tuổi để có thu nhập rất lớn, ông nhấn mạnh: “Nhiều người cao tuổi không chỉ lao động để kiếm thu nhập mà còn cống hiến, khẳng định vị thế và qua lao động có niềm vui và sức khỏe”. 

Rõ ràng, việc đảm bảo sinh kế và có những chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm trong bối cảnh già hóa dân số sẽ bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của người cao tuổi. Việc này vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của đất nước, từng bước thích ứng với bối cảnh già hóa dân số.

 

 

 

Minh Thư

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN