Giảm chênh lệch cung - cầu: Điểm cốt lõi cho đầu ra nông sản
(ĐCSVN) - Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ khi giảm được khoảng cách chênh lệch giữa nguồn cung - cầu của thị trường nông sản, lúc đó, chúng ta mới chấm dứt được câu chuyện “giải cứu nông sản”. Đặc biệt khi Việt Nam đã trở thành nước sản xuất nông nghiệp với sản lượng lớn những mặt hàng có thế mạnh.
Nông sản của tỉnh Hải Dương được tập kết để đưa đi "giải cứu". (Ảnh: CTV) |
Lâu nay và dường như đến hẹn lại lên, chúng ta lại nghe đến câu chuyện “giải cứu nông sản”. Đó là khi nguồn “cung” không gặp “cầu” trong khi đang quá dồi dào về sản lượng. Đặc biệt, việc giải cứu nông sản không còn là vấn đề do dư thừa bởi không có người đặt hàng mà còn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến không có khả năng đưa sản phẩm đi tiêu thụ.
Tại tỉnh Hải Dương, trong thời gian mới đây, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên địa bàn (ngày 27/1) khiến tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 16/2. Chính việc giãn cách xã hội cũng như tâm lý e ngại đi vào vùng dịch để buôn bán, trao đổi từ các cá nhân, đơn vị bên ngoài khi Hải Dương đang trong thời kỳ cao điểm của thu hoạch vụ Đông với rất nhiều sản lượng rau màu (khoảng 90.000 tấn) đã khiến cho các mặt hàng này đi đến tình trạng bế tắc.
Tình huống này đã đẩy người nông dân rơi vào tình cảnh phải “khóc ròng” trên đồng ruộng vì rất nhiều mặt hàng nông sản có số lượng lớn khả năng sẽ bị hủy bỏ nếu không được đi tiêu thụ kịp thời; “mất trắng” nguồn vốn đầu tư và bao nhiêu công vun xới, chăm sóc là điều hiện hữu. Và từ đây, chiến dịch “giải cứu nông sản” được triển khai khắp tỉnh Hải Dương, với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội cùng chung tay giúp người dân tiêu thụ nông sản.
Hay những ngày gần đây, tại tỉnh Thái Bình, người dân cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tại xã Vũ Vân, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, năm nay đang tồn đọng hơn 200 tấn bắp cải chưa tiêu thụ được. Trước thực trạng này, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình đã kêu gọi các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố… cùng chung tay mua hỗ trợ rau bắp cải cho bà con nông dân. Đồng thời, sẽ tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, thu mua nhanh lượng bắp cải đã đến kỳ thu hoạch, giảm thiểu thiệt hại cho bà con địa phương.
Tuy nhiên, nhìn nhận lại, liệu đây có phải là giải pháp về lâu dài để giải quyết tình trạng nông sản ùn tắc, không thể tiêu thụ khi chịu tác động từ yếu tố ngoại cảnh.
Nhìn bản chất sâu xa của vấn đề, việc giải cứu chỉ là tình huống tạm thời. Đó là sự chung tay hỗ trợ, tinh thần “tương thân tương ái” của các cơ quan, đoàn thể, người dân trong bối cảnh người nông dân gặp khó khăn. Nhưng cũng phải đặt câu hỏi, nếu đưa ra thị trường để bán một cách bình thường, liệu rằng chúng ta có thể tiêu thụ được hết? Liệu rằng chúng ta có thể giải cứu mãi được và đến một thời điểm nào đó, tình trạng này đến hẹn lại lên?
Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, chúng ta không thể nói trước được bất kỳ điều gì. Do vậy, việc sẵn sàng những kịch bản trước cho những tình huống như trên xảy ra là điều rất cần thiết. Một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương từng kiến nghị, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương để đưa ra những kế hoạch mang tính bài bản, sẵn sàng những phương án để ứng phó nếu như tình huống tương tự xảy ra đối với bất kỳ một tỉnh nào khác khi đang trong thời kỳ cao điểm của thu hoạch nông sản. Nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chắc chắn chúng ta sẽ không còn bị động trong việc đưa nông sản đi tiêu thụ.
Về vấn đề giải quyết dư thừa nông sản, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng cho rằng, rất khó để tuyệt đối hóa vấn đề này, bởi trên thế giới vẫn có thể cục bộ xảy ra việc dư thừa nông sản trong những thời điểm nhất định, tuy nhiên, chúng ta vẫn có những giải pháp để giảm bớt những rủi ro từ thị trường nông sản.
Một trong những giải pháp được Thứ trưởng Lê Minh Hoan đề cập, đó là việc kết nối, hình thành nên những dữ liệu số về một bên nguồn cung và một bên là nguồn cầu. Trong đó, cần kết nối lại các vùng nguyên liệu, kết nối vùng nguyên liệu với doanh nghiệp, doanh nghiệp với thị trường… thông qua bản đồ số để định hình được nguồn cung - cầu. Để khi người nông dân gieo những hạt giống xuống đất sẽ biết được sản phẩm của mình sẽ đi về đâu, sẽ được tiêu thụ ở siêu thị này, ở trung tâm thương mại kia…
Một giải pháp nữa là cần tăng cường là dự báo thị trường. Trong đó, ngoài vai trò tham gia của các cơ quan chuyên môn nhà nước nghiên cứu về vấn đề thị trường thì rất cần đến vai trò của doanh nghiệp. Chính doanh nghiệp là người nắm rõ nhất thị trường đang có nhu cầu bao nhiêu, đang cần những tiêu chuẩn, yêu cầu chất lượng như thế nào….để từ đó, thông tin đến người sản xuất thông qua các hiệp hội, ngành hàng.
Và để làm được điều này, chính sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã, người nông dân càng cần được khăng khít hơn bao giờ hết, để từ đó, cùng phối hợp làm việc, cùng tham gia sản xuất và cùng tham gia tiêu thụ, tạo nên một “dây chuyền mắt xích” bền chặt. Chỉ có vậy, chúng ta mới mong nông sản sẽ được đảm bảo về đầu ra, được đi tiêu thụ.
Đặc biệt, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp của nước ta còn nhỏ lẻ và manh mún, chính giải pháp để liên kết, kết nối giữa doanh nghiệp và người nông dân chính là hợp tác xã. Hợp tác xã chính là những “cánh tay nối dài” của doanh nghiệp, để từ đó, người nông dân cùng tham gia vào hợp tác xã, và hợp tác xã sẽ có nhiệm vụ là đại diện của người dân tham gia ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Ở vấn đề này, vai trò của hợp tác xã thể hiện rất rõ.
Vì vậy, nên chăng trong bối cảnh lâu dài, cần thành lập những hợp tác xã đủ mạnh để vận động người dân cùng tham gia vào nhằm liên kết sản xuất mang tính ổn định, bền vững. Đặc biệt, việc tham gia vào hợp tác xã không chỉ giúp người dân giải quyết vấn đề đầu ra mà chính hợp tác xã còn cung cấp thêm được những dịch vụ đầu vào như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... hỗ trợ người dân sản xuất, giúp nâng cao chất lượng nông sản.
Trong bối cảnh nguồn cung dồi dào, việc tăng cường tỷ lệ chế biến trong ngành nông nghiệp cũng cần được chú ý đến. Đó là việc hình thành nhiều hơn các nhà máy chế biến có năng suất công nghệ cao để tăng nguồn nhập nguyên liệu từ các vùng trồng. Đây cũng là bài toán cần được tính đến và đẩy mạnh hơn nữa để góp phần giúp khoảng cách chênh lệch nguồn cung - cầu được giảm bớt hơn.
Thứ nữa, việc tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu cũng là giải pháp cần được đẩy mạnh thực hiện. Đây không chỉ là cơ hội để giải quyết đầu ra cho nông sản mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, và gia tăng giá trị cho sản xuất và thu nhập cho người nông dân.
Và hơn hết, chính người nông dân, cần sản xuất theo “tín hiệu của thị trường”. Để làm được điều này, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành liên quan cần chung tay định hướng và hỗ trợ người nông dân trong công tác thông tin thị trường. Đẩy mạnh việc kết nối nông sản của người dân đến các đối tác, thị trường có tiềm năng.
Chỉ khi chúng ta triển khai những giải pháp để giảm được khoảng cách chênh lệch giữa nguồn cung - cầu của thị trường nông sản, lúc đó, chúng ta mới chấm dứt được câu chuyện “giải cứu nông sản”. Đặc biệt khi, Việt Nam đã trở thành nước sản xuất nông nghiệp có sản lượng lớn với nhiều mặt hàng có thế mạnh./.