Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Hai, 14/10/2024 16:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)-Trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, hệ giá trị gia đình Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tiếp nhận những giá trị mới, có những yếu tố sáng tạo như việc mở rộng không gian giao tiếp của gia đình dựa vào các công nghệ, thiết bị hiện đại, thiết bị thông minh đã có sự gắn kết giữa những người thân trong gia đình với nhau.

Ảnh minh họa: PV 

Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cũng tạo nên việc mở rộng các ngôn ngữ giao tiếp, làm mới hơn các mối quan hệ trong gia đình. Bên cạnh duy trì các nghi lễ mang tính lễ giáo truyền thống, các thể thức nghi lễ mới cũng xuất hiện làm phong phú, lan tỏa hơn các giá trị sống trong thời kỳ hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cho thấy hệ giá trị gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: quan niệm sai lệch về hôn nhân, vấn đề giáo dục con cái, bạo lực gia đình, sợi dây gắn kết giữa các thành viên lỏng lẻo,…làm cho hệ giá trị gia đình ít nhiều bị đảo lộn.

Vì vậy để giữ gìn và phát huy hệ giá trị truyền thống gia đình ĐBSCL cần có nhiều giải pháp quan trọng và cấp bách như: cần phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng gia đình, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam 2020 tầm nhìn 2030. Nâng cao nhận thức đúng cho cả hệ thống chính trị và người dân về vai trò, tầm quan trọng của gia đình, xác định gia đình là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững đất nước, gia đình có ổn định thì xã hội mới ổn định và phát triển. Kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực tác động xấu đến hệ giá trị gia đình truyền thống như: lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền mà đánh đổi tình thân, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, những hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình. Lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, các chính sách về gia đình phải hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Quan tâm chú trọng đến các đối tượng trẻ em và người bệnh tật, cao tuổi, gia đình có công với cách mạng, gia đình vùng sâu, vùng xa. Đảm bảo cho các gia đình đều tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Hoàn thiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, chính sách chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, chính sách bình đẳng giới, hoàn thiện Luật Hôn nhân và gia đình để tránh các kẻ hở dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác gia đình.

Để nâng cao nhận thức cho các ngành, các cấp, người dân về vị trí, vai trò của gia đình, cần phải tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục về gia đình, các kiến thức về Luật Hôn nhân và gia đình. Nội dung phổ biến giáo dục pháp luật về gia đình cần có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể và xuất phát từ nhu cầu thực tế của đối tượng như trẻ em, phụ nữ. Các gia đình cần được cung cấp thông tin về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên. Đi đôi với giáo dục, tuyên truyền là nêu gương những gia đình tiên tiến, tiêu biểu, lên án phê phán những hành vi không phù hợp với thuần phong, mỹ tục.

 Những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam cần phải được thường xuyên bồi đắp trong dòng chảy lịch sử, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp của chân, thiện, mỹ. Đó là một hệ giá trị về sự hiếu thảo, tình yêu thương, hòa hợp, đoàn kết, kính trên nhường dưới. Cần tiếp tục nhân rộng mô hình “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”, mỗi gia đình cần phải “gạn đục, khơi trong”, tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài. Gìn giữ được những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng được những giá trị cốt lõi ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh chính là “sức mạnh nội sinh” để chống lại những tiêu cực, những ảnh hưởng từ bên ngoài. Đẩy mạnh các phong trào xây dựng gia đình văn hóa để văn hóa gia đình phát huy được vai trò là cái gốc của văn hóa làng, văn hóa nước.

Xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ gia đình trong bối cảnh mới hiện nay, có nhiều yếu tố chi phối, tác động đến hệ giá trị gia đình, điều đó đòi hỏi cần phải xây dựng và phát triển các loại hình dịch vụ gia đình để đảm bảo cuộc sống và sự an toàn cho mỗi gia đình. Chẳng hạn các mô hình hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; mô hình tư vấn, giáo dục về hôn nhân gia đình cho thanh niên trước khi kết hôn, các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc và phát triển toàn diện cho trẻ em, các dịch vụ về giáo dục và y tế, chăm sóc người cao tuổi, các thị trường cung cấp nguồn lao động giúp việc nhà. Để cho những dịch vụ gia đình đi vào cuộc sống, ngày càng tiện lợi hơn cho mỗi gia đình thì hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách cho những dịch vụ đó phải được xây dựng, ngày càng hoàn thiện./.

CM

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN