Gia Lai: Phát triển cánh đồng mía mẫu lớn ở vùng Đông Trường Sơn
Vùng Đông Trường Sơn của tỉnh Gia Lai gồm các huyện, thị xã: An Khê, K'Bang, Đăk Pơ, Konchoro, Ia Pa... có vùng nguyên liệu mía 26.000 ha. Đây là một trong những loại cây trồng chính góp phần quan trọng trong việc xoá đói, giảm nghèo cho người dân trong vùng.
Ông Nguyễn Văn Hoè, Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết, giá mía hàng năm còn phụ thuộc vào thị trường, lúc cao, lúc thấp, do vậy mức thu nhập của người trồng mía trong vùng vẫn còn bấp bênh, thiếu tính ổn định và bền vững. Để tồn tại và phát triển vùng nguyên liệu mía thì chỉ có một con đường là tập trung mở rộng cánh đồng mía mẫu lớn gắn liền với việc đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và sản lượng mía.
Trong những năm qua, Nhà máy đường An Khê đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong vùng nguyên liệu vận động nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa để xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn tại các huyện, thị xã An Khê, Đăk Pơ, K'Bang, Konchoro và đã xây dựng được hơn 1.000 ha. Thực tế cho thấy, toàn bộ diện tích mía mẫu lớn đều đạt năng suất hơn 100 tấn mía cây/ha, có những cánh đồng đạt đến 110 - 120 tấn/ha. Tại những cánh đồng mía mẫu lớn này đã được cơ giới hoá toàn bộ khâu công việc, từ khâu cày xới đất, xuống giống cho đến khâu cuối cùng là thu hoạch mía.
Đi đôi với việc đầu tư cơ giới hoá, Nhà máy đường An Khê còn hỗ trợ cho những hộ trồng mía theo mô hình mía mẫu lớn về vốn, vật tư và ưu tiên thu mua dứt điểm sản lượng mía. Trong những năm qua, Nhà máy đã đầu tư giúp bà con xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn 44 tỷ đồng; trong đó đầu tư không thu hồi 6,5 tỷ đồng, còn lại đầu tư có thu hồi vốn nhưng không tính lãi suất. Ở các địa phương có cánh đồng mía mẫu lớn cũng đã có mức hỗ trợ cho người trồng mía khi thực hiện dồn điền đổi thửa, như ở huyện Đăk Pơ hỗ trợ 10 triệu đồng/ha mía vụ 1 và 5 triệu đồng/ha mía vụ 2.
Người trồng mía theo mô hình mía mẫu lớn rất phấn khởi bởi tiết kiệm được nhiều chi phí trong sản xuất, trong khi đó năng suất mía lại tăng lên và có mức thu lãi từ cây mía cao hơn so với trước. Anh Nguyễn Hữu Khiêm ở thôn Tân Hội thuộc xã Tân An (huyện Đăk Pơ) cho biết, gia đình có gần 1 ha mía nhưng chẳng có năm nào đạt năng suất đến 70 tấn. Năm 2014, gia đình anh cùng với một số hộ khác trong vùng thực hiện việc đồn điền đổi thửa theo mô hình mía mẫu lớn và năng suất vượt trội, đạt đến gần 100 tấn mía cây/ha. Nếu như trước đây, gia đình anh thu nhập được khoảng 20 triệu đồng/ha mía thì nay tăng lên đến 35 triệu đồng/ha (đã trừ các khoản chi phí).
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hoè - Giám đốc Nhà máy đường An Khê, hiện nay nhà máy đã đầu tư trang bị khá đầy đủ các loại thiết bị máy móc chuyên dùng phục vụ sản xuất theo tiến bộ kỹ thuật mới, nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng cánh đồng mía mẫu lớn cho bà con trong vùng với diện tích tăng lên nhiều hơn trong những năm tới./.
Văn Thông/TTXVN