Gia Lai phát huy giá trị của văn hóa lễ hội
(ĐCSVN) - Gia Lai hiện có 44 dân tộc cùng sinh sống nên có sự đa dạng, phong phú về các loại hình văn hóa lễ hội. Để góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh luôn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa lễ hội trong cộng đồng các dân tộc.
Gia Lai là một tỉnh thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên, có diện tích hơn 15.500 km2, dân số gần 1,6 triệu người, có 44 tộc người cùng sinh sống trên địa bàn 17 huyện, thị xã, thành phố; trong đó, Bahnar và Jrai là 2 tộc người bản địa, chiếm trên 40% tổng số dân. Nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống thể hiện sự đa dạng trong bản sắc văn hoá của tỉnh Gia Lai.
Việc đẩy mạnh hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Gia Lai những năm gần đây được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành chú trọng chỉ đạo, triển khai, thực hiện và đã đạt được một số thành tựu, tiến bộ rõ rệt. Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn, phát huy. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc.
Đồng bào Ba Na thực hiện nghi lễ Mừng lúa mới tại xã Đak Sơmei, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. |
Đến nay, toàn tỉnh có 44 di tích, cụm di tích đã được xếp hạng, gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt là Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo (địa danh gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vào thế kỷ XVIII của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, với 09 cụm di tích) và di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá (nơi đã phát hiện nhiều di vật có giá trị rất quan trọng, có niên đại khoảng 80 vạn năm cách ngày nay, là mốc mở đầu của lịch sử Việt Nam), 08 di tích quốc gia và 26 di tích cấp tỉnh; công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi, chống xuống cấp các di tích đã xếp hạng được quan tâm; có 02 hiện vật, bộ hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, gồm: Phù điêu Phật Chămpa Tây Nguyên (công nhận năm 2017) và Sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê (công nhận năm 2023); có 27 hiện vật, bộ hiện vật (với tổng số 43 hiện vật) đã được đăng ký cổ vật; đã tổ chức kiểm kê được 456 hồ sơ trên địa bàn toàn tỉnh; có 3 di sản được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, gồm: Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên (toàn tỉnh), Sử thi của người Bahnar (các huyện Đak Đoa, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro), Lễ Cầu mưa của Yang Pơtao Apui (Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện); có 32 Nghệ nhân Ưu tú được Chủ tịch nước vinh danh qua 3 đợt tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể.
Để bảo tồn và phát huy nét đẹp của văn hóa lễ hội, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, trong đó có phục dựng, tái hiện các nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đó, tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn văn hóa truyền thống đặc sắc gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã tổ chức các hoạt động văn hóa, trong đó có phục dựng, tái hiện các nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Để các nghi lễ được tái hiện với vẻ nguyên sơ vốn có từ ngàn đời nay, các già làng, trưởng thôn đã huy động sự tham gia của các thành viên trong làng, hướng dẫn dân làng chuẩn bị đầy đủ các lễ vật và trực tiếp thực hiện các nghi lễ. Vì vậy, khi được tham gia tái hiện nghi lễ, các thành viên đều cảm thấy tự hào với nguồn cội văn hoá của dân tộc mình.
Gia Lai có lịch sử lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. |
Thời gian tới, ngành văn hóa tỉnh Gia Lai sẽ đẩy mạnh việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa; các di sản văn hóa, các phong tục, tập quán của các dân tộc. Tiếp tục triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719; đa dạng hóa các chương trình du lịch gắn với tìm hiểu văn hóa địa phương; tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa và di sản văn hóa tại địa phương./.