Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống

Chủ Nhật, 16/09/2018 17:52 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với những nội dung, cách làm sáng tạo, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân ở tỉnh An Giang đã luôn nắm bắt nhu cầu thực tế của hội viên, nông dân từ đó có sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.

Nông dân huyện Châu Phú, tỉnh An Giang thu hoạch cá tra (Ảnh: Thùy Trang)

Là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, đầu nguồn sông Mê Kông, nơi có sông Tiền và sông Hậu chảy qua nên nhìn chung An Giang hội tụ khá nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát triển sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bám sát đặc điểm đó, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã thường xuyên thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, động viên, hướng dẫn và hỗ trợ hội viên, nông dân tích cực sản xuất, nâng cao đời sống. Chỉ tính riêng trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho trên 3 vạn lượt hội viên; xây dựng 100 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, theo mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản... Trong giai đoạn 2013 - 2018, An Giang đã có hơn 168.600 lượt hội viên, nông dân được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp. Tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất của số hội viên, nông dân nói trên đạt trên 7.732 tỷ đồng.

Được biết đến như là một trong những hộ đi đầu trong phát triển nghề nuôi cá bè trên sông Hậu, ông Nguyễn Lê Tây ở huyện Châu Đốc (An Giang) chia sẻ: Nghề nuôi cá bè đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. Chính nhờ có sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Châu Đốc về cả con giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh… nên lượng cá của gia đình tôi sinh trưởng khá tốt ngay từ ngày đầu thả nuôi. Đến nay, bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu về được khoảng gần 400 triệu đồng. Số dư nợ tín dụng do Hội Nông dân đứng ra tín chấp đã được gia đình tôi trả hết; ngoài ra, hiện nay tôi còn tham gia giúp nhiều hộ cùng phát triển hoạt động nuôi cá bè trên sông Hậu để họ nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Lê Tây chỉ là một trong số hàng vạn lượt hội viên, nông dân An Giang đã vươn lên từ sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp Hội Nông dân. Thường xuyên bám nắm nhu cầu của hội viên, nông dân, Hội Nông dân tỉnh An Giang cũng đặc biệt, quan tâm hỗ trợ nguồn tín dụng ưu đãi để hội viên, nông dân có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất. Tính đến hết tháng 6/2018, tổng nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đã đạt 10,7 tỷ đồng (tăng gấp 3,6 lần so với năm 2013). Từ nguồn vốn này đã có hơn 2.400 lượt gia đình hội viên, nông dân được vay vốn, đầu tư xây dựng 442 mô hình chuyển đổi sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân tại các địa phương trong tỉnh còn chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách và Xã hội triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho trên 240.000 lượt hộ vay vốn, để đầu tư cho sản xuất với tổng số vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh An Giang còn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh với những kết quả tích cực. Các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của hội viên, nông dân để cùng tham gia thực hiện các mô hình: tổ, đội phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự; xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, thắp sáng lộ nông thôn; hợp tác phát triển ngành, nghề sản xuất gắn với hỗ trợ vốn; tương trợ thẻ Bảo hiểm y tế cho hội viên khó khăn…

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng trao tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc
giai đoạn 2013 - 2018 cho Hội Nông dân tỉnh An Giang (Ảnh: Thùy Trang)

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Châu Văn Ly, một trong những thành công nổi bật trong phong trào hoạt động của Hội là đã thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay thực hiện nhiệm vụ công tác hội và phong trào nông dân; nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức hội vững mạnh...

Bên cạnh những thành tích chủ yếu nói trên, hoạt động của Hội Nông dân các cấp ở An Giang còn có những hạn chế nhất định. Đó là việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hội còn chậm. Sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nhìn chung, đời sống của người nông dân còn thấp, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp thuần túy. Việc tham gia thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, liên doanh, liên kết và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm…

Thời gian tới, để tiếp tục đồng hành cùng hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ tập trung củng cố, xây dựng tổ chức hội vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, để hội phát huy hơn nữa vai trò trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới; đa dạng các hình thức tập hợp hội viên, nông dân tham gia hội. Các cấp Hội sẽ tăng cường công tác phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; chú trọng công tác đào tạo dạy nghề theo nhu cầu của xã hội và hỗ trợ giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị…, tại địa bàn nông thôn, qua đó thiết thực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong toàn tỉnh./.

Bài, ảnh: Trần Thùy Trang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN