Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đối tượng được hưởng đặc xá dịp 2/9 và 10/10

Thứ Ba, 27/08/2024 09:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Năm nay, có 2 nhóm đối tượng được đề nghị thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn nhân dịp 79 năm Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/2024) và 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2024). Thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 30/9/2024.

Nhiều bạn đọc muốn biết đối tượng, điều kiện được đặc xá năm 2024 có gì mới?

Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Kỹ (đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết, Khoản 1 Điều 3 Chương I Luật Đặc xá 2018 (Luật số 30/2018/QH14, ngày 19/11/2018) nêu rõ đặc xá được hiểu là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước mà cụ thể, Chủ tịch nước sẽ quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/2024) và 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/2024), Quyết định 758/2024/QĐ-CTN ngày 30/7/2024 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm nêu rõ đối tượng được đề nghị xét đặc xá bao gồm người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 30/9/2024.

Liên quan tới nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá đã ban hành Hướng dẫn 88/HD-HĐTVĐX ngày 02/8/2024.

Ảnh minh họa, nguồn: hatinh.gov.vn

Theo đó, để được Chủ tịch nước quyết định đặc xá, các đối tượng đề nghị đặc xá phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 3 Quyết định 758/2024/QĐ-CTN, cụ thể như sau:

(1) Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự;

- Đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 1/2 thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù;

Người bị kết án về tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội; tội phá hoại chính sách đoàn kết; tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; người bị kết án từ 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người của Bộ luật Hình sự do cố ý hoặc người bị kết án từ 07 năm tù trở lên về tội cướp tài sản; tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; tội sản xuất trái phép chất ma túy; tội mua bán trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy của Bộ luật Hình sự đã chấp hành án phạt tù ít nhất 2/3 thời gian đối với trường hợp bị kết án phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 18 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù;

- Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí;

- Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng;

- Đã thi hành xong hoặc thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với người bị kết án phạt tù về tội phạm không phải là tội phạm tham nhũng;

Trường hợp phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước thì phải được người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án hoặc không yêu cầu thi hành án đối với tài sản này;

- Khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự;

- Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 4 Quyết định 758/2024/QĐ-CTN.

(2) Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự trong thời gian chấp hành án phạt tù trước khi có quyết định tạm đình chỉ;

- Đã có thời gian chấp hành án phạt tù quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Quyết định 758/2024/QĐ-CTN;

- Các điều kiện quy định tại các Điểm c, d, đ, e và g Khoản 1 Điều 3 Quyết định 758/2024/QĐ-CTN;

- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

(3) Người bị kết án phạt tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất là 1/3 thời gian và người bị kết án phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất là 13 năm hoặc trường hợp bị kết án về một trong các tội quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Quyết định 758/2024/QĐ-CTN đã chấp hành ít nhất 2/5 thời gian đối với án phạt tù có thời hạn, 16 năm đối với án phạt tù chung thân, nếu có đủ các điều kiện quy định tại các Điểm a, c, d, đ, e và g Khoản 1, các Điểm a, c và d Khoản 2 Điều 3 Quyết định 758/2024/QĐ-CTN thì được đề nghị đặc xá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, có xác nhận của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan có thẩm quyền khác;

- Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người được tặng thưởng một trong các danh hiệu: Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ nhân nhân dân; người được tặng thưởng một trong các loại Huân chương, Huy chương Kháng chiến; cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”;

- Người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân;

- Khi phạm tội là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 3 Quyết định 758/2024/QĐ-CTN;

- Người từ đủ 70 tuổi trở lên;

- Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình;

- Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ;

- Người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật về dân sự.

(4) Người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện quy định tại Điểm a và Điểm g Khoản 1 Điều này hoặc người dưới 18 tuổi đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện quy định tại Điểm g Khoản 1, Điểm a và Điểm d Khoản 2 Điều 3 Quyết định 758/2024/QĐ-CTN được đề nghị đặc xá khi đã chấp hành ít nhất 1/3 thời gian hoặc đã chấp hành được ít nhất 2/5 thời gian đối với trường hợp bị kết án phạt tù về một trong các tội quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 3 Quyết định 758/2024/QĐ-CTN.

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá, Điều 13 Mục 2 Chương II Luật Đặc xá 2018 nêu rõ: Được phổ biến chính sách, pháp luật về đặc xá; thông báo Quyết định về đặc xá, văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về điều kiện của người được đề nghị đặc xá và thông tin khác về đặc xá liên quan đến người được đề nghị đặc xá; Liên hệ với thân nhân để thu thập giấy tờ, tài liệu cần thiết cho việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị đặc xá; Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu cần thiết cho việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị đặc xá; Cung cấp giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền đề nghị đặc xá; khai báo đầy đủ, trung thực thông tin về cá nhân liên quan đến việc đề nghị đặc xá; Khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Chương V của Luật Đặc xá 2018.

Luật sư Kỹ phân tích, người được đặc xá không phải là người đương nhiên được xóa án tích. Người được đặc xá chỉ đương nhiên được xóa án tích khi có đủ các điều kiện quy định tại các Điều 70 Chương X Bộ luật Hình sự năm 2015 (Luật số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể:

Khoản 1 Điều 70: Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự năm 2015 khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 70 Chương X Bộ luật Hình sự năm 2015.

Khoản 2 Điều 70: Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Khoản 3 Điều 70: Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 70 Chương X Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đáng chú ý, Khoản 4 Điều 70 nhấn mạnh, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 70 Chương X Bộ luật Hình sự năm 2015./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN