Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Độc đáo lễ hội Thác Côn của người Khmer

Thứ Ba, 11/06/2024 16:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thác Côn là một lễ hội rất nổi tiếng của người Khmer ở tỉnh Sóc Trăng, đây là lễ hội cầu an, thường được tổ chức vào đầu mùa mưa. Thác Côn là một trong những lễ hội mang đậm tính Phật giáo, được người Khmer chuẩn bị rất chu đáo với nhiều vật phẩm độc đáo. Lễ hội thường diễn ra vào tháng 3 mỗi năm, không chỉ là dịp người Khmer ở khắp nơi tụ họp về, mà còn thu hút đông đảo du khách đến xem.

Thác Côn là một lễ hội độc đáo của người Khmer ở Sóc Trăng.

Thác Côn cách gọi theo tiếng Khmer của người dân địa phương, “Thác” nghĩa là “đạp”, còn Côn là “cồng”, Thác Côn có nghĩa Đạp Cồng, gợi lại sự tích về tiếng cồng chiêng vang lên từ đất. Những người cao tuổi kể lại rằng, ngày xưa, ở vùng đất An Trạch nổi lên một gò đất có hình dạng giống cái cồng, khi gõ vào có tiếng vang lại. Một thời gian sau, gò đất biến mất, người Khmer lấy ngày 16/3 âm lịch hàng năm tổ chức lễ Thác Côn.

Lễ hội Thác Côn thường được tổ chức trong khoảng ba ngày vào giữa tháng ba âm lịch. Đây là một lễ cầu an của người Khmer với mong ước sẽ có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no. Lễ hội thường được diễn ra tại chùa với nhiều nghi thức, vật phẩm cúng đa dạng.

Khác với lễ hội đón năm mới được tổ chức nhộn nhịp, sôi nổi, với hàng loạt các hoạt động. Lễ hội Thác Côn của người Khmer ở Sóc Trăng diễn ra ngắn ngày hơn, nhưng vẫn thu hút rất nhiều người tham gia. Trong dịp này, người Khmer dành phần lớn thời gian đi đến chùa. Đây là khoảng thời gian các gia đình người Khmer nghe kinh từ các vị sư ở chùa. Trong ba ngày lễ hội sẽ diễn ra các nghi thức chính như dâng cơm cho các sư vào buổi sáng, buổi tối mời các sư tụng kinh cầu siêu, cầu an cho dân làng và nghe thuyết pháp về giáo lý nhà Phật tại chùa.

Slathođôn là một vật phẩm độc đáo của lễ hội Thác Côn.

Với những nam thanh, nữ tú, họ sẽ thích buổi đêm của ngày lễ Thác Côn. Vì đêm hội Thác Côn là đêm thức trắng, nam nữ ba dân tộc Việt, Khmer, Hoa có dịp kết bạn, trong không khí nô nức như hội trăng rằm. Phía sau chùa là bãi đất rộng. thường được tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí thật náo nhiệt. Các gánh hát phục vụ xuyên suốt. Quán nước, quán ăn phục vụ đến sáng.

Trong lễ hội Thác Côn, người đến dự sẽ được “chiêm ngưỡng” nhiều vật phẩm độc đáo như trầu cau, hoa sen,… Nhưng có một vật cúng hết sức đặc sắc mà người Khmer gọi là Slathođôn, đó là một quả dừa khô, bên trong có cắm hoa sen. Theo quan niệm của người Khmer hoa sen mang ý nghĩa thanh khiết đã trở thành hình tượng phổ biến trong văn hóa dân gian, chiếm vị trí chủ đạo để làm nên hình tượng Slatho, ngoài ra, người dân còn trang trí thêm bông huệ, cúc vạn thọ để tạo màu sắc cho vật phẩm. Còn trái dừa là loại quả có nước tinh khiết, ngọt lành, không những chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa ẩm thực Nam Bộ, mà còn hiện diện trong hầu hết các lễ hội, mang ý nghĩa cầu phước, cầu an.

Lễ hội Thác Côn có nhiều hoạt động giải trí thu hút mọi người tham gia. 

Trong lễ hội Thác Côn, mỗi người đều chuẩn bị cho mình một Slathođôn. Chính vì vậy, dân làng An Trạch ở Sóc Trăng thường phải nhập hàng vạn trái dừa để làm cascd bình Slathođôn, bởi thế, lễ hội Thác Côn còn được gọi là lễ hội Cúng Dừa.

Tuy nhiên, không chỉ có Slathođôn, mỗi người Khmer đi tham dự sẽ mang thêm cả hạt giống lúa bắp để cầu mong cho mùa màng sung túc, có đôi khi còn sắm cả chỉ đỏ để xin may mắn, phước lộc về nhà. Ngoài ra các hạt thóc cũng được dùng để kết thúc ba ngày của lễ hội Thác Côn.

Đó là nghi lễ được các bà lão và thiếu nữ trong làng thực hiện, họ lấy những hạt giống ngũ cốc và một ít tro, nhang từ lư hương trên bệ thờ, sau đó đặt chúng vào mâm bạc chuyên dùng đựng các vật cúng của đồng bào Khmer. Những người phụ nữ nối đuôi nhau đi ra đồng mang theo những vật phẩm từ chùa để dâng cúng cho đất đai, hồn lúa và những vị thần bảo hộ cho dân làng nhằm tỏ lòng biết ơn, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng sung túc.

Bài, ảnh: Quyết Thắng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN