Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đề xuất Nhà nước quy định giá trần với sách giáo khoa

Thứ Tư, 02/11/2022 15:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Xác định sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu và phạm vi ảnh hưởng rất rộng, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) theo hướng giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa (giá trần), các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể.

Chiều 2/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa với sách giáo khoa

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Giá (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất đưa ra khỏi danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và đề nghị bổ sung hai mặt hàng, trong đó có sách giáo khoa.

Sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặt hàng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ
về dự án Luật Giá (sửa đổi). (Ảnh: TH)

Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa (giá trần), các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể. Việc này nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán sách giáo khoa và bảo đảm lợi ích người dân.

Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ này, đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng quỹ.

Cần thiết phải kiểm soát, khống chế mặt bằng giá

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho hay: Ủy ban cho rằng sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu và giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.

Để tạo công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo, Ủy ban TCNS nhất trí như dự thảo Nhà nước quy định giá bán tối đa (giá trần).

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường cũng lưu ý, so với quy định của luật hiện hành, dự thảo lần này bổ sung nhiều hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Việc quy định Nhà nước định giá nhiều dịch vụ có thể sẽ dẫn đến sự can thiệp sâu từ phía Nhà nước, làm giảm tính cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường, ảnh hưởng đến lợi ích, quyền lựa chọn của người tiêu dùng.

Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu. Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì tại một số thời điểm, Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, giảm biên độ biến động giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, đa số ý kiến cũng đề nghị cần phải đổi mới theo hướng việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, tiến tới phải vận hành theo thị trường. Một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

 “Việc quy định về Quỹ bình ổn giá cần đánh giá kỹ, toàn diện cả lý luận và thực tiễn, làm rõ ưu điểm, nhược điểm. Chỉ thành lập quỹ trong trường hợp bất khả kháng; xác định rõ trường hợp thành lập, điều kiện thành lập; việc thành lập quỹ cần có mục tiêu, thời hạn và giải thể quỹ khi hoàn thành mục tiêu”, ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh./.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN