Để tiếp tục hái “quả ngọt”
(ĐCSVN) - Với những thành công trong nghiên cứu khoa học công nghệ những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò và vị trí của mình trong khu vực và thế giới. Đây là những tín hiệu đáng mừng, thể hiện sức mạnh của trí tuệ Việt Nam.
Những chú lợn ỉ chào đời khỏe mạnh, phát triển tốt từ phương pháp nhân bản vô tính bằng tế bào soma tai (Ảnh: Giang Văn). |
Những ngày này, giới khoa học ngành nông nghiệp đang không khỏi nức lòng khi 4 chú lợn ỉ - loại giống lợn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, được nhân bản thành công bằng tế bào soma tai. Với phương pháp nhân bản vô tính này, lần đầu tiên, loài lợn được sinh ra không cần bằng hình thức hữu tính (giao phối) hay thụ tinh nhân tạo (cần tinh trùng của con đực) mà bằng các mẫu từ mô tai của lợn giống. Đây là bước phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ Việt Nam trong lĩnh vực nhân bản động vật, khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế nền khoa học công nghệ của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Được biết, đây là chương trình do Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện thông qua Đề tài “Nghiên cứu tạo lợn Ỉ bằng kỹ thuật chuyển nhân tế bào soma” thuộc “Chương trình trọng điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”.
Với thành tựu nghiên cứu này đã mở ra một chương mới cho ngành chăn nuôi Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống; kết hợp công nghệ nhân bản động vật với công nghệ chỉnh sửa gen để tạo ra các giống vật nuôi có năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời góp phần bảo tồn các loài động vật có giá trị cao và động vật quý hiếm.
Và đây không phải là lần đầu chúng ta tự hào bởi thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ của ngành nông nghiệp Việt Nam. Trước đó, gạo ST25, được lai tạo bởi nhóm nhà khoa học Sóc Trăng gồm: Kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sỹ Trần Tấn Phương và Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương. Tại cuộc thi World’s best rice”, do The Rice Trader (TRT) tổ chức thuộc Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines diễn ra từ ngày 10-13/11/2019 (quy tụ hơn 20 công ty kinh doanh gạo quốc tế cùng hơn 100 thương gia xuất nhập khẩu gạo và 20 nhà khoa học đến từ 5 châu lục), gạo ST25 đã được Ban giám khảo chấm điểm và công bố là Gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Để đạt được vị thế này, ST25 đã vượt qua nhiều đối thủ lớn trên thế giới và chinh phục Ban giám khảo bởi gạo có hạt dài trắng tinh, dẻo, có mùi thơm dứa.
Không chỉ có vậy, hằng ngày, hằng giờ, vẫn có nhiều nhà khoa học của Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu những giống cây mới, con mới để từng bước nâng cao chất lượng và giá trị sản xuất. Họ là những con người vẫn đang ngày đêm âm thầm cống hiến, với mong muốn từng bước đưa sản xuất, chất lượng nông sản ngành nông nghiệp của nước nhà ngày một đi lên.
Đơn cử như GS.TS Lê Đình Khả - một trong những gương mặt tiêu biểu được vinh danh tại tại Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” năm 2019. Ông là tác giả và đồng tác giả của 35 giống quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật, trong đó đặc biệt có các giống keo lai tự nhiên được Giải thưởng Nhà nước, các giống bạch đàn lai, các giống tràm năm gân và tràm lấy tinh dầu. Các giống keo lai đã được Bộ NN&PTNT đưa vào giống cây trồng chủ lực ở Việt Nam, đồng thời, các nước Đông Nam Á cũng nhập khẩu từ Việt Nam để gieo trồng.
Hay việc nghiên cứu khoa học công nghệ không chỉ dành riêng cho giới chuyên môn mà chính những người nông dân đã có nhiều thành tích nổi bật, vượt trội để đóng góp cho thành quả chung của nước nhà. Cũng trong Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” năm 2019, đã có 16 “nhà khoa học không chuyên” là những nông dân có sáng chế, sáng kiến được ghi nhận và được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.
Những kết quả trên cho thấy, nông nghiệp Việt Nam có đội ngũ các nhà khoa học, những người nghiên cứu hoàn toàn có khả năng làm nên những điều “phi thường”, tạo ra những giá trị mới, góp phần tăng năng suất cao hơn cho ngành. Những kết quả này đã thể hiện được sự nỗ lực, niềm đam mê, vượt qua mọi thách thức của các nhà khoa học và những người đam mê nghiên cứu trong bối cảnh đất nước vẫn còn nhiều khó khăn.
Khoa học công nghệ vẫn được xem là một trong những "chìa khóa then chốt" để Việt Nam tiến lên ngành nông nghiệp hiện đại, gia tăng giá trị sản xuất và giảm tải sức lao động và mang lại giá trị cao cho người nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kết nối bằng chuyển đổi số, thì khoa học công nghệ càng cần thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong việc đi tiên phong và dẫn dắt các hoạt động sản xuất, và kéo theo việc hình thành nên một hệ thống sản xuất hiện đại, năng động.
Thực tế cho thấy, một trong những khó khăn hiện nay của nghiên cứu khoa học và công nghệ đó chính là việc thiếu nguồn lực. Đó là nguồn lực về cơ sở vật chất, về chi phí đầu tư cho nguồn nhân lực, chi phí cho nghiên cứu… Rất nhiều ý kiến tại các hội thảo cho rằng, nhiều dự án khoa học công nghệ chỉ đi từ “giấy” và khi được khảo sát, nghiệm thu xong thì cho vào “ngăn tủ”. Đó là một thực trạng thấy rõ nhưng cần nhìn nhận thấu đáo hơn về vấn đề này. Liệu chúng ta đã có đủ sự đầu tư bài bản cho nghiên cứu khoa học công nghệ?
Theo số liệu của Bộ Tài chính, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ từ năm 2010 đến năm 2019 có xu hướng tăng: Năm 2010 là 4.144 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt 12.825 tỷ đồng. Bình quân hàng năm, đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ với mức kinh phí vào khoảng 1,4 - 1,85% tổng chi ngân sách nhà nước, chiếm từ 0,4 đến 0,6 GDP.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho khoa học và công nghệ ở Việt Nam còn hạn chế. Điều này có thể thấy khi so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Số liệu thống kê năm 2013 cho thấy, mức đầu tư nghiên cứu, khoa học công nghệ của Việt Namchiếm 0,39%GDP, trong khi đó đối với Nhật Bản là 3,47%GDP, Hàn Quốc 4,15%GDP, Singapore 2,1%GDP, Malaysia 1,07%, Trung Quốc 2,01% GDP,…
Thế giới đang trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hằng ngày, hằng giờ vẫn đang chạy đua với nghiên cứu khoa học. Nước nào làm chủ được những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất, mang lại giá trị cao là nước ấy thắng. Chính vì vậy, để đất nước từng bước phát triển hơn về khoa học công nghệ, chúng ta cần phải đầu tưmạnh mẽ hơn cho lĩnh vực này.
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy triển khai ứng dụng khoa học công nghệ là chính sách xã hội hóa thu hút đầu tư, gia tăng nguồn lực cho lĩnh vực này. Việc xã hội hóa thu hút đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ vừa giúp giảm tải áp lực cho ngân sách nhà nước, vừa phát huy những tiềm năng từ khối khu vực tư nhân có điều kiện và mong muốn nghiên cứu khoa học, đóng góp cho phát triển kinh tế nước nhà.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân, đầu tư ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ mới đã mang lại hiệu quả lớn. Riêng với ngành nông nghiệp, có thể kể đến những tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: TH, Vinamilk,…Chính việc nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng khoa học công nghệ đã tạo ra những sản phẩm không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn tham gia vào xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực, đẩy nhanh sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Cùng với hướng đi trên, Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng chỉ rõ cần có giải pháp cơ cấu lại toàn diện hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ công lập. Nâng cao hiệu quả đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trên cơ sở áp dụng mô hình quản trị mới theo thông lệ tốt của thế giới.
Đặc biệt là việc tạo lập đồng bộ và kịp thời khung pháp lý và hệ thống các chính sách để triển khai và phát triển các công nghệ mới. Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề về khoa học công nghệ, Nghị quyết Đại hội XIII cũngnêu rõ, cần có cơ chế đột phá để thu hút, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.
Và hơn hết, đi cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp và các ngành, cần coi trọng hơn nữa về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong bối cảnh mới hiện nay. Từ đó, đưa việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trở thành một trong những động lực để tạo ra thế mạnh và sự phát triển cho cơ quan, đơn vị mình.
Để phát huy tiềm năng của khoa học – công nghệ cũng cần có những chính sách, chế độ đãi ngộ vừa hợp lý vừa mang tính thiết thực cho những người làm công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Đi cùng với đó là sự ghi nhận, vinh danh những cá nhân, tập thể có đóng góp lớn cho khoa học.
Kỳ vọng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các cơ quan, doanh nghiệp…,tin tưởng sẽ có ngày càng nhiều hơn nữa những đề tài thành công và đi vào ứng dụng trong thực tiễn, mang lại những giá trị cao không chỉ riêng cho ngành nông nghiệp mà còn cho sự nghiệp nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đóng góp cho sự phát triển của kinh tế nước nhà./.