Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản

Thứ Ba, 25/06/2024 15:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Sáng 25/6, tại trụ sở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (HNDVN), đã diễn ra Hội thảo khoa học “Cơ hội và thách thức đối với nông dân trong chuyển đổi số (CĐS), xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp”. Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Trung ương HNDVN củng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đồng tổ chức.

Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương HNDVN phát biểu khai mạc (Ảnh: HNV)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp và Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (HNDVN) Bùi Thị Thơm đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Trung ương HNDVN, bà Bùi Thị Thơm nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc nông sản là các hoạt động liên quan đến theo dõi, nhận diện, truy vết thông tin một đơn vị sản phẩm trong từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối; là một trong các nội dung quan trọng của CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc truy xuất nguồn gốc nông sản bằng cách gắn mã QR cho sản phẩm không chỉ tăng lòng tin của khách hàng, mà còn giúp đảm bảo trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà cung cấp với chất lượng nông sản đưa ra thị trường; là một phần quan trọng trong việc xây dựng nền nông nghiệp có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm nông sản. 

Hơn nữa, cũng theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm, hàng hóa đặc biệt là nông sản thì truy xuất nguồn gốc được xem là giải pháp ưu việt, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những loại nông sản có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo, đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại (vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ). Mặc dù các lực lượng chức năng đã rất tích cực xử lý vi phạm, tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra hết sức tinh vi và phức tạp; bởi vậy, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nói chung, các sản phẩm nông nghiệp nói riêng là yêu cầu bức thiết từ cuộc sống.

“Đối với những hàng hoá xuất khẩu, trong bối cảnh nhiều thị trường trên thế giới (phải kể đến là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật,… và cả thị trường Trung Quốc) đều yêu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa của Việt Nam, trong đó truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc, phải tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm… Do vậy, truy xuất nguồn gốc còn giúp nông sản Việt Nam tiếp cận gần hơn với các thị trường lớn và khó tính trên thế giới” - bà Bùi Thị Thơm nói. 

 Hội thảo diễn ra tại trụ sở Trung ương HNDVN, Hà Nội (Ảnh: HNV)

Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm đề nghị các đại biểu tập trung vào thảo luận về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; những quy định, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; Thực trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay; những khó khăn, tồn tại, hạn chế; những kinh nghiệm, giải pháp thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp nước ta giai đoạn hiện nay; Những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội, thách thức đối với hội viên, nông dân trong quá trình chuyển đổi số và ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Vai trò, trách nhiệm, giải pháp của tổ chức HND các cấp trong tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện chuyển đổi số, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Với tư cách đồng chủ trì, tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, hội thảo lần này không chỉ đề cập đến cơ hội và thách thức mà còn phải đề cập tới giải pháp triển khai CĐS đặc biệt là xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, cần sự thống nhất đồng bộ từ chính sách pháp luật tới triển khai thực hiện trong thực tế. Là cơ quan quản lý nhà nước chủ quản về mảng NN&PTNT, Bộ NN&PTNT cam kết đồng hành cùng các cơ quan, tổ chức liên quan và bản thân người nông dân cả nước trong hành trình CĐS cũng như xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản áp dụng rộng khắp cả nước.

Thông tin về thực trạng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp hiện nay và những vấn đề về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp người nông dân cần quan tâm thực hiện, ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm CĐS và Thống kê nông nghiệp, Bộ NN&PTNT khuyến nghị, cần nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định, chính sách liên quan một cách hiệu quả thực chất và đi vào cuộc sống; xây dựng văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn kết nối, chia sẻ dữ liệu, bộ tiêu chí về truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng để văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, quy chế ngày một hoàn thiện; tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản của Bộ, cả về xây dựng mở rộng các tính năng, chức năng trên phần mềm và đầu tư, mua sắm thiết bị phần cứng, máy chủ.

Đồng thời thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia và hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản của các địa phương; hình thành hệ sinh thái và mạng lưới truy xuất nguồn gốc nông sản trong khắp cả nước; có giải pháp, chính sách để sản xuất nông nghiệp được tập trung, tránh nhỏ lẻ manh muốn, có quy chế chế tài xử lý vi phạm và chính sách khuyến khích, áp dụng liên quan đến mã số vùng trồng, tiêu chuẩn VietGap; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức để người tiêu thụ biết rõ lợi ích của việc mua sắm sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đồng thời nhà sản xuất cũng hiểu lợi ích to lớn của áp dụng các hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, truy xuất nguồn gốc là nhiệm vụ của CĐS và thực hiện CĐS thành công thì vai trò trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng” - ông Đặng Duy Hiển nhấn mạnh.

TS Vũ Quế Anh, đại diện Vụ KH&CN, các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN tham luận tại Hội thảo (Ảnh: HNV) 

TS Vũ Quế Anh, đại diện Vụ KH&CN, các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN cho biết, theo thống kê, hiện mới có 38/63 địa phương triển khai truy xuất nguồn gốc. Vẫn còn ít các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam chủ động xây dựng, triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mã số mã vạch theo chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, còn hạn chế trong việc quản lý các sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam (do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam) bảo đảm an toàn cho người sử dụng ở thị trường trong nước và nước ngoài cũng như thiếu thống nhất nguyên tắc, phương thức truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa nâng cao quản lý chất lượng, an toàn, vệ sinh sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, đúng nguồn gốc xuất xứ.

“Thiết nghĩ, việc tăng cường và mở rộng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là nông sản là phù hợp với thực tiễn quản lý, bắt kịp xu hướng phát triển, triển khai truy xuất nguồn gốc trên thế giới và trình độ phát triển công nghệ hiện nay trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” - TS Vũ Quế Anh bày tỏ.

Tại Hội thảo, Phó Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Trung ương NDVN, bà Nguyễn Thị Việt Hà đã chia sẻ một số kinh nghiệm CĐS và truy xuất nguồn gốc nông sản tại Hà Lan sau chuyến công tác của Trung ương Hội tìm hiểu về nền sản xuất nông nghiệp Hà Lan mới đây. Trong đó, bà Nguyễn Thị Việt Hà đã không ngừng nhấn mạnh về tính đồng bộ, hiệu quả của ứng dụng công nghệ và thống nhất giữa chính sách với thực tiễn triển khai để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại mà Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo và học tập, phổ biến rộng khắp 63 tỉnh, thành.

Việc truy xuất nguồn gốc nông sản bằng cách gắn mã QR cho sản phẩm không chỉ tăng lòng tin của khách hàng, mà còn giúp đảm bảo trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà cung cấp với chất lượng nông sản đưa ra thị trường (Ảnh: PV) 

Cũng tại Hội thảo, đại diện HND tỉnh Quảng Trị cho biết, xác định CĐS trong nông nghiệp là khâu quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn, tỉnh Quảng Trị đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội. Trong thời gian qua, các cấp HND tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng CĐS và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Theo đó, HND tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp cách mở tài khoản, tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) cho hơn 5.000 cán bộ hội viên nông dân, từ đó, giúp họ tìm kiếm thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả thiết thực. Song song, HND cũng tập trung phổ biến, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, về tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đến nay, HND tỉnh đã phối hợp với Sở NN&PTNT và Sở Công Thương hỗ trợ cho hơn 1.264.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 79 cơ sở, HND sản xuất, kinh doanh. HND tỉnh Quảng Trị cũng đồng thời tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về ứng dụng CĐS và truy xuất nguồn gốc quốc gia cho nông sản cũng như chú trọng đào tạo bồi dưỡng tập huấn CĐS cho đội ngũ cán bộ quản lý của địa phương và nông dân trên địa bàn; chủ động tham mưu cấp ủy chính quyền để đồng hành hỗ trợ nông dân nhiều hơn, sát thực trong hành trình ứng dụng CĐS, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong đó có nông sản…

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, đại diện HND một số địa phương cùng đại diện cả các hợp tác xã cùng nhau làm rõ hơn CĐS và truy xuất nguồn gốc nông sản hiện nay ở nước ta, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân, thúc đẩy tuyên truyền về ứng dụng CĐS và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp

Thực tế, quá trình CĐS ở nước ta nói chung và CĐS trong nông nghiệp nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, gặp không ít vướng mắc, khó khăn về thể chế, sự phối hợp tổ chức thực hiện, hạ tầng số trong nông nghiệp còn lạc hậu, không đồng bộ, thiếu kết nối chia sẻ thông tin của tất cả các khâu từ sản xuất, quản lý, logicstic, thương mại nông sản, trong đó, cũng không thiếu những khó khăn, hạn chế, thách thức liên quan tới người nông dân khi thực hiện CĐS  trong nông nghiệp.

Chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp là khâu quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất. Trong đó, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được xem là giải pháp ưu việt, tạo niềm tin cho người tiêu dùng cũng như giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại; là một phần quan trọng trong việc xây dựng nền nông nghiệp có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng./.

Hà Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN