Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đang tại ngoại lại tiếp tục phạm tội mới thì xử lý thế nào?

Thứ Năm, 18/08/2022 16:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Đà Nẵng vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Huỳnh Thị Châu (sinh năm 1975, trú tại số nhà 48 Nguyễn Văn Huyên, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) để điều tra hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, vào tháng 1/2021, công an Đà Nẵng cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi ở đối với Châu cùng về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong một vụ án khác.

Cụ thể, Châu nhận giúp ông N. làm thủ tục để nhận thừa kế phần nhà, đất tại số 27 Lê Vĩnh Huy (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu). Sau khi được giao sổ hồng, Châu nói dối với bà L. (trú tại phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) mình sở hữu ngôi nhà trên nhưng chưa kịp sang tên, thỏa thuận bán lại cho bà này với giá 7,2 tỷ đồng.

 Ngày 16/8, cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Đà Nẵng khởi tố, bắt tạm giam Huỳnh Thị Châu (Ảnh: doisongphapluat.com)

Tháng 9 và 10/2019, Châu đã 2 lần nhận đặt cọc của bà L. với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng nhưng sau đó không thực hiện chuyển nhượng. Biết bị lừa, bà L. làm đơn tố cáo.

Do đang mang thai nên Châu được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên sau đó đối tượng tiếp tục thực hiện nhiều vụ lừa đảo, trong đó có vụ lừa bà D. Cụ thể, dù không có đất nhưng Châu nói với bà DTKD (trú tại phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ) là có 13 lô đất tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam và huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Tin tưởng, bà D đã đặt cọc số tiền 9,3 tỷ đồng. Sau đó, Châu tiếp tục lợi dụng lòng tin, mượn thêm 7 tỷ đồng của bà D.

Khi được thúc ép về việc sang tên đất thì Châu thừa nhận đất không phải của mình nên bà D. đến công an trình báo. Quá trình thu thập tài liệu, lực lượng chức năng còn phát hiện Châu lừa đảo nhiều người khác bằng thủ đoạn tương tự.

Vấn đề đặt ra là bị can Châu đang mang thai nên được tại ngoại, rồi lại đi lừa tiếp trong khoảng thời gian này, thì thời điểm bị phát hiện nếu người này vẫn chưa sinh con hay đang nuôi con nhỏ, có được xem xét tại ngoại lần nữa không?

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Lê Huy Vinh, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho biết, Khoản 4 Điều 119 Mục I Chương VII Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (Luật số: 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015) quy định rất rõ: Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

b) Tiếp tục phạm tội;

c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Như vậy, trong vụ án này, bị can đã được cơ quan tố tụng cho hưởng chính sách khoan hồng, không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam với lý do đang mang thai. Tuy nhiên đối tượng lại lợi dụng điều này, tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội.

Trường hợp này bị can Châu sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam và không được tại ngoại, không được chuyển thành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú như lần trước.

Theo luật gia Lê Huy Vinh, ngoài việc phải chịu trách nhiệm về tội danh đã thực hiện, người này có thể sẽ phải chịu thêm tình tiết tăng nặng khi thực hiện hành vi phạm tội trong lúc tại ngoại.

Với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với tổng số tiền ở cả 2 vụ án là hơn 19 tỷ đồng, bị can Châu có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, căn cứ Khoản 4 Điều 174 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Luật số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015).

“Bất động sản thường có giá trị lớn, do vậy, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua, bán quyền sử dụng đất, cần thận trọng để tránh "sập bẫy" kẻ lừa đảo. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật về đất đai cho người dân, cải cách thủ tục hành chính, công khai các chính sách, dự án…”, Luật gia Lê Huy Vinh nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN