Đắk Lắk: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,5 đến 3%/năm
(ĐCSVN) - Từ nay đến năm 2020, Đắk Lắk phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 2,5 đến 3%/năm (riêng tại 3 huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân từ 4 - 4,5%), tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4% - 4,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.
Mô hình nuôi heo thịt góp phần giảm nghèo ở Đắk Lắk đã được
địa phương nhân rộng. (Ảnh: laodongxahoi.net)
Kế hoạch giảm nghèo của Đắk Lắk nhằm tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập và thoát nghèo, vươn lên khá giả; tăng cường và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các huyện nghèo, xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; giảm khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng và các nhóm dân cư.
Được biết, hiện tỷ lệ hộ nghèo của Đắk Lắk theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 là 19,37%, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (bình quân cả nước là 9,88%), nhất là ở vùng sâu, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh hiện có 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, 62 xã có tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 45% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao chiếm 37,17%.
Để đạt được mục đích của Kế hoạch, tỉnh phấn đấu cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo trong tỉnh đến cuối năm 2020 tăng lên 1,9 lần so với cuối năm 2015; từ 15 đến 20% số xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; thu nhập của các hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 20 - 25%; bình quân hàng năm có ít nhất 15% hộ tham gia dự án thoát nghèo, thoát cận nghèo;…
Cùng với đó, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết 80/NQ-CP (như hỗ trợ về tín dụng ưu đãi, khuyến nông, lâm và phát triển thủy sản; hỗ trợ về học nghề, y tế, giáo dục, đào tạo, nhà ở, trợ giúp pháp lý) và các dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định 1722/QĐ-TTg.
Theo Kế hoạch, tổng nhu cầu vốn dự kiến cho cả giai đoạn 2016 - 2020 là 3.954.662 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương chiếm 92,76%, còn lại là ngân sách địa phương và vốn huy động./.