Chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em: Cuộc chiến gian nan
(ĐCSVN) - Với mỗi nạn nhân bị bán qua biên giới, sau khi trừ hết các chi phí đi lại, ăn ở thì các đối tượng mua bán người có thể bỏ túi hàng chục tới hàng trăm triệu đồng. Lợi nhuận quá lớn khiến nhiều đối tượng mờ mắt, bán cả người thân của mình. Cuộc chiến chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em ở khu vực giáp biên vì vậy mà ngày càng cam go.
- Bài 2: Cần vòng tay rộng mở của cộng đồng xã hội
- Bài 3 - Chung tay ngăn chặn đẩy lùi tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em
Trước tình hình tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em thời gian gần đây có những diễn biến phức tạp, nhằm góp phần giúp bạn đọc hiểu rõ và phòng ngừa loại tội phạm này, nhóm phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện chuyến công tác dài ngày, đến nhiều địa phương vùng biên giới để tìm hiểu hoạt động của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thực tế cho thấy, mặc dù các lực lượng chức năng đã quyết liệt đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người và đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, quá trình đấu tranh, ngăn ngừa loại tội phạm này vẫn còn nhiều gian nan.
Phụ nữ vùng cao - đích ngắm của bọn buôn người
Tuyến biên giới phía Bắc, các tỉnh như: Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh... lâu nay được biết đến như là những “điểm nóng” về tình trạng hoạt động của các đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em. Tại tỉnh Lào Cai, chỉ tính riêng trong năm 2016 và đầu năm 2017, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý tổng số 60 vụ/26 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu, chuyển tuyến an toàn cho 116 nạn nhân bị mua bán; khởi tố, tổ chức điều tra, chuyển giao vụ án cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai và Lai Châu 09 vụ án hình sự/17 đối tượng phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em… Trong đó, nhiều nạn nhân là người ở các tỉnh miền Nam như: Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng... cũng bị các đối tượng lừa lên Lào Cai sau đó bán sang Trung Quốc.
Trò chuyện với chúng tôi, em Lò Thị S, 16 tuổi ở huyện Bát Xát (Lào Cai) vẫn không thể quên được những ký ức kinh hoàng khi bị bán sang Trung Quốc. Năm 2014, khi đó S mới 13 tuổi, tình cờ gặp Lò Thị Thơm (vốn là đối tượng cách đây khoảng 15 năm đã bị lừa bán sang Trung Quốc và hiện sống ở tỉnh Quảng Đông). Thơm ăn mặc lịch sự, tỏ ra rất giàu có nên mọi người trong gia đình tin vào lời hứa sẽ giúp S sang làm công nhân bên Trung Quốc với mức lương cao. S cùng với một bạn nữ khác trong bản đã theo bà Thơm bắt xe khách về cửa khẩu Móng Cái sang tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tại đây, S bị nhốt cùng 4 cô gái khác trong một căn phòng kín, bị tịch thu mọi tư trang, điện thoại và hành lý. Khi đó, mọi người mới biết là bị lừa bán. Cả 5 người chỉ biết ôm nhau khóc... Những ngày sau đó, 5 cô gái bị bán làm vợ những người đàn ông bản địa. Nếu ai không nghe lời sẽ bị các đối tượng đánh đập, bỏ đói và đe doạ cưỡng bức. Lò Thị S bị bán làm vợ cho một người đàn ông lớn tuổi và bị đưa sâu vào trong nội địa nước bạn, cách biên giới hơn 1.000 km. Phải hơn 2 năm sau, Lò Thị S mới trốn thoát và được lực lượng Công an Trung Quốc bàn giao cho lực lượng biên phòng Việt Nam.
Nạn nhân Lò Thị S ở huyện Bát Xát (Lào Cai) kể lại quãng thời gian bị lừa bán sang bên kia
biên giới.
Tại tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 17 vụ/38 đối tượng với hàng chục nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị lừa bán sang bên kia biên giới.
Theo Trung tá Vũ Tiến Đức - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn, Lạng Sơn là địa bàn trung chuyển của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em nên nạn nhân có cả người dân trong và ngoài tỉnh, thậm chí có cả người Campuchia bị lừa lên Lạng Sơn và bán sang Trung Quốc. Do đó, việc đấu tranh, phát hiện, bắt giữ đối tượng và giải cứu nạn nhân thường gặp rất nhiều khó khăn.
Có thể kể tới vụ án đối tượng Bàn Văn An ở huyện Tràng Định (Lạng Sơn) nhẫn tâm mang 2 con đẻ là cháu Bàn Phượng Hằng (sinh năm 2011) và cháu Bàn Quang Huy (sinh năm 2013) sang Trung Quốc bán để có tiền mua ma túy và chơi cờ bạc... Hay trường hợp đối tượng Sùng Quáng Sử ở huyện Xín Mần (Hà Giang) lấy lý do đưa vợ là chị Làn Thị H sang Trung Quốc chữa bệnh nhưng sau đó đã bán chị H cho một phụ nữ Trung Quốc để lấy 13 triệu đồng. Chỉ vì nhu cầu ăn chơi, các đối tượng đã tìm mọi cách lừa bán nạn nhân cho dù đó là người thân...
Một điều đáng báo động là tính chất manh động của các đối tượng tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em đang có dấu hiệu gia tăng.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Vũ Quang Vịnh - Phó trưởng phòng Phòng chống Ma tuý và tội phạm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang chia sẻ: Từ năm 2015 đến nay đã xuất hiện tình trạng một số thanh niên trên địa bàn một số huyện biên giới cấu kết với các đối tượng người nước ngoài dụ dỗ, lừa bán các cháu học sinh THPT, THCS. Trong đó, có rất nhiều vụ, sau khi chiếm được lòng tin của nạn nhân, các đối tượng này đã lừa nạn nhân tới các khu vực vắng người để cưỡng bức nạn nhân trước khi bán họ cho các đối tượng người Trung Quốc...
Phóng viên đã tìm gặp em Vì Thị T, học sinh lớp 10, Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Quản Bạ (Hà Giang), nạn nhân đã may mắn thoát khỏi bàn tay của các đối tượng mua bán người. Nhớ lại thời điểm đó, em T vẫn chưa hết bàng hoàng: “Bọn chúng lừa cháu và một bạn nữa đi hát karaoke, sau đó tách chúng cháu lên 2 xe máy. Hai thanh niên đưa cháu đến khu vực đồi hoang, định cưỡng bức cháu. Khi xe vào đoạn đường cua, cháu cố gắng nhảy xuống đường và kêu cứu. May có chiếc ô tô tải lúc đó chạy đến và bác lái xe xuống hỏi nên bọn chúng vội vàng bỏ đi...”. Cùng bị lừa trong buổi tối hôm đó còn có em Lò Thị Y, học cùng trường với em T. Khi biết T đã trốn thoát, lo sợ bị phát giác nên các đối tượng đã thả cho em Y về sau khi cưỡng bức bất thành em này.
Theo Thượng tá Vũ Quang Vịnh, qua đấu tranh khai thác, phần lớn các đối tượng tội phạm đều coi việc cưỡng bức tập thể là để làm cho nạn nhân mất ý chí phản kháng, từ bỏ ý định bỏ trốn...
Thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi
Đó là nhận định chung của hầu hết các lực lượng tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em. Với mức giá bán từ 1 vạn đến cả chục vạn Nhân dân tệ, tương đương vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng tuỳ vào lứa tuổi, nhan sắc của nạn nhân, các đối tượng buôn người không từ bất kì thủ đoạn nào để có thể dụ dỗ, chiếm được lòng tin của các chị em phụ nữ để rồi sau đó biến họ trở thành những “món hàng”.
Tại huyện miền núi Hoà An (tỉnh Cao Bằng), chúng tôi được gặp Nông Thị D, một cô gái xinh đẹp ở địa phương. Sau một lần đi cùng chuyến xe khách, D đã đem lòng yêu Bùi Văn Lịch ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Nhẹ dạ cả tin, cô gái trẻ không hề biết là mình đang rơi vào bẫy của kẻ xấu. Lịch đã tìm cách rủ D lên chơi nhà chị gái ở Trung Quốc. D được người yêu đưa cho một viên thuốc “chống say”. Tỉnh dậy sau chặng đường dài cũng là lúc D phát hiện ra mình đã bị lừa bán làm vợ cho một người đàn ông tật nguyền. Phải hơn 2 năm sau, D mới được Công an Trung Quốc giải cứu...
Tìm hiểu được biết, trong các nạn nhân của bọn tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em có khá nhiều trường hợp như Nông Thị D. Những năm trước đây, thủ đoạn chính của các đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các nạn nhân. Chúng thường tới các địa bàn miền núi, hướng đến những phụ nữ “quá lứa, lỡ thì” hoặc nhóm trẻ em ở miền núi sớm sa vào ăn chơi, lười lao động, thích hưởng thụ... Các đối tượng thường hứa hẹn tìm việc làm và vẽ ra những “bức tranh tươi sáng” về cuộc sống nơi xứ người để dụ dỗ, lừa các nạn nhân sang bên kia biên giới. Thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã lợi dụng công nghệ cao, các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Ola... để làm quen, tán tỉnh “vờ yêu” hoặc rủ đi chơi, rủ đi tìm việc làm với mức lương cao để dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ bán đưa sang Trung Quốc. Điều này lý giải vì sao có không ít nạn nhân là học sinh, sinh viên có trình độ song vẫn bị các đối tượng lừa bán.
Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Khánh Toàn - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Giang cho biết: Những năm gần đây, các đối tượng mua bán người đã có nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, đa dạng, phức tạp hơn trước. Chúng tạo lập thành các đường dây, ổ nhóm, khai thác các dịch vụ tiện ích của công nghệ thông tin để làm quen, dụ dỗ, lừa gạt quan hệ yêu đương... Tinh vi ở chỗ, đối tượng không trực tiếp đưa nạn nhân qua biên giới, mà hướng dẫn họ tự xuất cảnh, hoặc xuất cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở, rồi đón nạn nhân ở bên kia biên giới. Chính vì thế mà nhiều nạn nhân đã "sập bẫy". Sau đó, các đối tượng sẽ ép buộc bán cho các chủ chứa mại dâm, hoặc làm vợ đàn ông Trung Quốc.
Đặc biệt, một thủ đoạn mới mà nhiều đối tượng đang sử dụng hiện nay là lợi dụng hình thức hôn nhân hợp pháp. Đối tượng sẽ cùng nạn nhân hoàn thiện các thủ tục hôn nhân theo quy định của pháp luật, sau đó mới đưa nạn nhân sang Trung Quốc rồi bán nạn nhân để kiếm lời. Cùng với đó, để tránh sự phát hiện, truy bắt của các lực lượng chức năng, chúng còn thường xuyên thay đổi về thủ đoạn phạm tội, như: Môi giới qua nhiều khâu trung gian, sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, hoặc hướng dẫn để nạn nhân tự vượt biên; sử dụng điện thoại di động để chỉ đạo, thỏa thuận mua bán, chuyển, giao, nhận nạn nhân...
Những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi nói trên của các đối tượng tội phạm đã và đang gây cho lực lượng chức năng nhiều khó khăn trong đấu tranh, phòng, chống và xử lý tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em.
(Còn nữa)