Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 2: Cần vòng tay rộng mở của cộng đồng xã hội

Thứ Sáu, 29/12/2017 14:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em những năm qua cho thấy, việc phát hiện, giải cứu các nạn nhân luôn là nhiệm vụ khó khăn đối với các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, vấn đề tạo điều kiện cho các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, xoá bỏ những mặc cảm, tự ti để làm lại cuộc đời cũng không kém phần nan giải.


Video Lời kể của nạn nhân về quãng thời gian bị lừa bán sang bên kia biên giới. 

Những bi kịch bên kia biên giới

Trái ngược với những viễn cảnh do các đối tượng buôn người vẽ ra trước đó, các nạn nhân là phụ nữ bất kể già hay trẻ, sau khi vượt qua biên giới sẽ bị ép buộc “làm việc” trong các “động” mại dâm hoặc phải làm vợ của những người đàn ông Trung Quốc; còn trẻ em thì bị bán làm con nuôi cho các gia đình hiếm muộn...

Chúng tôi đã gặp em Nguyễn Thị H, ở huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Đây là một trong những nạn nhân nhỏ tuổi nhất của đường dây mua bán phụ nữ xuyên quốc gia, bị lừa bán sang Trung Quốc khi chưa đầy 16 tuổi. Tình cờ quen và có tình cảm với một thanh niên ở Quảng Ninh, H. nhận lời xuống Móng Cái “lấy quần áo về bán kiếm lời”. Nhưng do không biết địa hình nên H. bị đưa qua bên kia biên giới, bị tịch thu điện thoại cùng 5 cô gái khác. Ai không chịu đi tiếp khách sẽ bị đánh đập tàn nhẫn. H đành phải “nhắm mắt đưa chân” tiếp khách theo chỉ đạo của chủ chứa. Bình quân mỗi ngày H. phải tiếp 15 - 17 khách. May mắn, sau hơn 2 năm, trong một lần xảy ra đánh nhau tại đây, Công an Trung Quốc đã bắt tất cả mọi người lên lấy lời khai và đã bàn giao H. cho lực lượng Bộ đội biên phòng Việt Nam.

Không may mắn như H., chị Lô Thị T. ở huyện Quế Phong (Nghệ An) bị lừa bán sang Trung Quốc từ năm 22 tuổi. Phải hơn 10 năm sau, chị T mới được trở về với người thân. Sau khi bị bán sang Trung Quốc, T phải làm vợ một người đàn ông tật nguyền hơn 50 tuổi. Tiếp đó, T lại bị ép làm vợ "thêm" một người hơn mình 2 tuổi, lại chính là… con đẻ của người chồng tật nguyền kia. Hàng ngày T phải làm đủ mọi việc đồng áng. Mỗi khi ra ngoài đều có người đi cùng để canh giữ. Nửa năm sau, T mang thai nhưng cũng không rõ cái thai đó là của người “chồng” nào. Khi cái thai được 15 tuần, T bị ép bỏ thai vì đứa bé là con gái. Sau 2 lần phá thai như vậy, T bị bán làm vợ người đàn ông khác ở một vùng sâu, vùng xa hơn với lý do là “không biết đẻ con trai”. Hơn 10 năm ở nơi đất khách quê người, T đã bị bán qua tay 6 người đàn ông. Đến người chồng thứ 6, T cũng sinh được một cậu con trai. Điều này đã khiến T được nhà chồng tin tưởng hơn. Lúc con được gần 3 tuổi, nhân một hôm người chồng sơ ý, T dứt ruột bỏ lại con để trốn đi. Sau đó, T may mắn gặp được một người phụ nữ Việt Nam giúp đưa ra biên giới và trở về nước.

Cũng tại tỉnh Nghệ An, chúng tôi gặp và trò chuyện cùng cô Lô Thị S, ở xã Thông Thụ, huyện Quế Phong. Dù đã có cháu gọi là bà ngoại nhưng cô S vẫn bị các đối tượng lừa bán sang Trung Quốc. Được một người cùng xã giới thiệu, cô S nhận lời đi Móng Cái bán hàng thuê. Đến thành phố Hạ Long, cô S được người đi cùng đưa cho viên thuốc “chống say xe”. Sau khi uống viên thuốc đó, cô không thể phản ứng được mà chỉ làm theo những người đi cùng. Sang đến bên kia biên giới, những nạn nhân trẻ tuổi cùng trong “chuyến hàng” được bán cho những người đàn ông Trung Quốc làm vợ. Riêng cô S, do nhiều tuổi nên bọn bảo kê dự định sẽ bán vào “động” để làm gái mại dâm. Cô S phải giả điên, la hét, vứt bỏ cơm nước, thậm chí phải ăn bẩn... Bọn buôn người đành phải xếp cho cô chân quét dọn. Và trong một đêm, cô S đã bỏ trốn và tìm đến đồn Công an trình báo. Sau đó, cô được bàn giao cho lực lượng chức năng Việt Nam.

Cô Lô Thị S ở tỉnh Nghệ An (người ngồi giữa) nghẹn ngào kể lại những chuỗi ngày đau khổ sau khi bị bán sang bên kia biên giới. Ảnh: Quang Chiến

Không phải ai cũng may mắn như em H, chị T và cô S. Nhiều nạn nhân thiếu may mắn đã không thể trở về đoàn tụ cùng gia đình. Trong lời kể của các nạn nhân mà phóng viên có điều kiện tiếp xúc, nhiều trường hợp bị các đối tượng bảo kê đánh đến chết hoặc bị chuyển sâu vào các nội địa Trung Quốc nên không thể biết đường về. Có trường hợp bị bán vào các động mại dâm, đã phát bệnh tâm thần...

Đại tá Tống Chính Phúc - Trưởng phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lào Cai cho biết: Thực tế cho thấy, những trường hợp nạn nhân tự trốn thoát hoặc được giải cứu là rất ít, còn một tỷ lệ rất lớn nạn nhân mà cơ quan chức năng chưa thể xác định vị trí bị nhốt giữ...

Gian nan con đường tái hòa nhập cộng đồng

Trở về sau những tháng ngày phiêu bạt nơi đất khách, nạn nhân của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em gặp phải rất nhiều rào cản, đó là những khó khăn trên con đường hòa nhập cộng đồng. Bởi thực tế, ở nhiều nơi, cộng đồng xã hội, làng xóm vẫn chưa có cái nhìn bao dung đối với các nạn nhân. Những điều tiếng xã hội, dư luận xóm giềng đã làm cho các nạn nhân nhiều lúc rất tự ti, mặc cảm...

Câu chuyện của em H (Cẩm Thủy, Thanh Hóa), chị T (Quế Phong, Nghệ An) cho thấy những nỗi đau đớn thật sự khó xóa khỏi kí ức.

Dù đã được giải cứu về đoàn tụ cùng gia đình nhưng em H vẫn trốn trong nhà không dám đi ra ngoài vì sợ khi bước chân ra khỏi nhà sẽ lại bị lừa bán sang Trung Quốc. Ký ức những ngày làm nô lệ tình dục ở xứ người vẫn hiển hiện trong tâm trí của cô gái trẻ. Khi chúng tôi hỏi chuyện, trên khuôn mặt em vẫn còn nguyên vẹn nỗi sợ hãi, hoang mang: “Em không muốn nhớ lại những ngày nhục nhã đó!” Sau một thời gian trò chuyện, khi đã tin cậy em mới thổ lộ: "Điều đau khổ nhất là người dân địa phương bảo em sang Trung Quốc làm “cave”, lấy em ra làm “tấm gương xấu” để răn cho con cháu". Có người còn nói thẳng với cha mẹ H là “nhà hết phúc” mới có đứa con như H. Không chịu nổi điều tiếng xã hội, H đã tìm về Hà Nội để học nghề. Giờ đã có nghề nghiệp, cũng được nhiều thanh niên dành tình cảm, nhưng H vẫn chưa dám nhận lời. “Em sợ là khó ai có thể chấp nhận quá khứ đau khổ đó của em”, H chia sẻ trong tiếng nấc nghẹn ngào. Trường hợp của chị T cũng tương tự như vậy.

Còn đối với cô S, những tưởng may mắn được trở về quê hương, nhưng sau hơn 2 năm “mất tích”, chồng cô S đã lấy vợ mới. Hàng xóm đồn thổi là do cô “ham giàu” nên bỏ nhà sang lấy chồng Trung Quốc. Đến các cháu của cô cũng không có bạn chơi do ảnh hưởng bởi “tiếng xấu” của bà ngoại!

Nạn nhân của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em cần sự quan tâm, động viên, hỗ trợ của các đoàn thể ở địa phương.
Ảnh: PN

Tìm hiểu thực tế việc hòa nhập cộng đồng của nhiều nạn nhân tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em có thể thấy, chính sự lạnh lùng, vô cảm cùng những lời nói ác ý của hàng xóm, láng giềng là rào cản vô hình ngăn cách họ với cộng đồng xã hội. Không chỉ em H, chị T, hay cô S mà còn rất nhiều trường hợp khác là nạn nhân của bọn mua bán người cũng bị xã hội, cộng đồng kỳ thị. Điều này không chỉ tạo khoảng cách tâm lý giữa nạn nhân với cộng đồng mà còn gây nhiều khó khăn đối với công tác điều tra, phá án của lực lượng chức năng trong việc đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em.

Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Trọng Tuệ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Giang cho biết: Do hầu hết các nạn nhân là người dân tộc thiểu số, dân trí thấp nên vẫn còn bị bó buộc bởi phong tục lạc hậu, cổ hủ. Thậm chí ở nhiều nơi, bà con cho rằng đã bị lừa bán thì... sẽ bị nhiễm bệnh nên có những suy nghĩ, hành động lệch lạc, kỳ thị. “Lực lượng chức năng đã phải vượt qua bao nhiêu gian khổ, hiểm nguy để giải cứu các nạn nhân trở về. Nhưng đến khi đoàn tụ với gia đình, thay vì được sẻ chia, đồng cảm thì họ lại bị cộng đồng, làng xóm, thậm chí là người trong gia đình ghẻ lạnh, đối xử phân biệt. Nhìn thái độ của cộng đồng đối với các nạn nhân bị mua bán trở về nhiều lúc chúng tôi thực sự chạnh lòng”, Thượng tá Nguyễn Trọng Tuệ chia sẻ.

Không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, buôn bán phụ nữ, trẻ em còn để lại những hậu quả nặng nề cho nạn nhân và gia đình. Công tác phòng, chống loại tội phạm này muốn đạt được hiệu quả phải đặc biệt coi trọng việc vừa phòng ngừa, vừa phải mạnh tay trấn áp tội phạm, tăng cường phối hợp giữa cơ quan chức năng trong nước với nước bạn nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng, giải cứu nạn nhân. Mặt khác, cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, hỗ trợ để xoá bỏ những rào cản, tạo điều kiện để nạn nhân có thể thực sự hòa nhập cùng cộng đồng, tự tin làm lại cuộc đời trên chính quê hương mình.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: Trần Tuấn-Tạ Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN