Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bài 3 - Chung tay ngăn chặn đẩy lùi tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em

Chủ Nhật, 31/12/2017 19:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ở khu vực biên giới cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân để chủ động, phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh, tố giác các đối tượng phạm tội. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan tới hôn nhân có yếu tố nước ngoài…

 

Chung tay ngăn chặn đẩy lùi tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em. Video: QĐ

Hiệu quả phối hợp liên quốc gia trong giải cứu, hỗ trợ nạn nhân

Tháng 9/2010, Hiệp định song phương Việt Nam - Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm mua bán người đã được Bộ Công an hai nước ký kết. Qua hơn 7 năm thực hiện, lực lượng chức năng hai nước đã phối hợp phát hiện, bóc gỡ nhiều đường dây đưa người Việt Nam bán sang Trung Quốc hoặc sang Nga, các nước Đông Âu, cưỡng ép lao động... Trong năm 2016 và quý I/2017, lực lượng chức năng đã khám phá 195 vụ mua bán người sang Trung Quốc, giải cứu 490 nạn nhân. Xác lập, đấu tranh 13 chuyên án; bắt, xử lý 39 vụ với 62 đối tượng, giải cứu 70 nạn nhân; tiếp nhận 57 nạn nhân do Trung Quốc trao trả...

Bộ đội Biên phòng Việt Nam tiếp nhận nạn nhân được giải cứu do lực lượng chức năng Trung Quốc trao trả. Ảnh TD

 Theo Đại tá Tống Chính Phúc, Trưởng phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lào Cai, những năm qua, lực lượng Công an biên phòng nước bạn đã thường xuyên phối hợp có hiệu quả trong việc tìm kiếm, giải cứu nạn nhân bị mua bán trái phép. Nhiều vụ việc Việt Nam cung cấp họ tên, ảnh nhận dạng và vị trí nạn nhân, phía bạn sẽ nhanh chóng tổ chức xác minh, giải cứu và trao trả nạn nhân đúng theo tinh thần Hiệp định về tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm mua bán người giữa hai bên. “Có những trường hợp nạn nhân đã bị đưa vào sâu trong nội địa Trung Quốc tới gần 2.000 km, nhưng sau khi nhận thông tin từ lực lượng BĐBP, chưa đầy 1 tuần sau, nước bạn đã giải cứu và trao trả nạn nhân cho chúng ta”, Đại tá Tống Chính Phúc chia sẻ thêm.

Còn theo Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, BĐBP Hà Giang, việc phối hợp với lực lượng nước bạn đã giúp đơn vị nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em. Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ: Đầu tháng 4/2017, thông qua các nguồn tin, đơn vị nắm được trường hợp 2 thiếu nữ trẻ tuổi bị lừa bán sang Trung Quốc. Sau khi Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy cung cấp tên tuổi, ảnh nhận dạng, số điện thoại, vị trí phát sinh cuộc gọi, Trạm Kiểm soát Biên phòng Thiên Bảo, (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã nhanh chóng có mặt tại khu vực nạn nhân bị nhốt giữ. Lúc đầu, các đối tượng người Trung Quốc phủ nhận việc nhốt giữ nạn nhân. Phải đến khi lực lượng chức năng nước bạn tìm thấy dòng chữ kêu cứu bằng tiếng Việt do nạn nhân ghi lại ở cánh cửa sổ thì chủ nhà mới thừa nhận đã mua một thiếu nữ người Việt Nam về làm con dâu. Nạn nhân được xác định là Lý Thị N, sinh năm 1998 ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (Hà Giang). Cuối năm 2016, N và người bạn tên Sùng Thị M bị lừa bán sang Trung Quốc. Lý Thị N may mắn gọi điện được về cho gia đình và được giải cứu.

Còn ở một vụ án khác, với sự giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của Công an huyện Ma Ly Pho, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), 8 nạn nhân là các em gái từ 14 - 18 tuổi bị kẻ xấu lừa bán cũng đã được giải cứu thành công. “Từ khi đơn vị ký kết nghĩa với các đơn vị bảo vệ biên giới Trung Quốc, chế độ hội đàm, thông tin liên lạc, trao đổi tình hình biên giới giữa hai bên được thường xuyên và chặt chẽ hơn. Hai bên cũng đã thiết lập đường dây nóng, nếu có sự việc thì có thể kịp thời thông tin để cùng nhau phối hợp giải quyết trong thời gian sớm nhất”, Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy bộc bạch.

Liên quan đến hiệu quả phối hợp liên quốc gia trong giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an khẳng định: Trước đây, khi nạn nhân bị đưa sang bên kia biên giới thì việc phá án thường gặp phải rất nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, với việc tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng Trung Quốc, đã có hàng trăm lượt nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và đoàn tụ với gia đình. Đây là kết quả đáng khích lệ và cần phát huy trong thời gian tới. Do đó, chúng ta cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lực lượng chức năng nước bạn trong phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ trẻ em.

Trách nhiệm chung của toàn xã hội

 

Lực lượng BĐBP tỉnh Lào Cai tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em


Từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tháng 3/2011, Quốc hội cũng thông qua Luật Phòng, chống mua bán người. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1427/QĐ-TTg ngày 18/8/2011, phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020. Mới đây nhất, năm 2016, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 30/7 hằng năm là "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người".

Có thể thấy, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng trong phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em những năm qua đã được đẩy mạnh. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân cùng công tác hỗ trợ ban đầu và giúp đỡ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng đã được triển khai ở nhiều địa phương, góp phần tạo điều kiện cho nạn nhân vượt qua mặc cảm, vươn lên làm lại cuộc đời.

Tại Quảng Ninh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân đối với việc đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em. Đặc biệt, hình thức tuyên truyền trực quan tại chợ phiên đã được vận dụng sáng tạo, hiệu quả, đã có hàng nghìn lượt đồng bào dân tộc vùng cao được trang bị các kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em. Trong năm 2017, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp với Công an thành phố Móng Cái trao gói hỗ trợ cho 20 nạn nhân bị mua bán trở về. Từ năm 2015 đến nay, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức 165 buổi tuyên truyền về phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em với sự tham gia của gần 24.800 lượt phụ nữ, học sinh.

Là một địa phương tiêu biểu trong triển khai công tác tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về, chỉ tính từ năm 2012 đến nay, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 634 nạn nhân bị mua bán trở về. Các nạn nhân được sắp xếp chỗ ăn, ở an toàn, được tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu. Nhiều nạn nhân nhỏ tuổi được hỗ trợ học nghề và tạo việc làm để ổn định đời sống.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, trên thực tế, công tác phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em tại nhiều nơi còn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Việc tuyên truyền còn mang tính chung chung, hình thức. Hoạt động phối hợp giữa các ngành, các lực lượng chưa đi vào chiều sâu. Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả chưa cao; việc mọi người xa lánh, kỳ thị đối với nạn nhân bị mua bán trở về còn khá phổ biến...

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ở khu vực biên giới, thiết nghĩ cần tăng cường, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; có các chính sách, biện pháp tạo việc làm cho người lao động ở vùng nông thôn, miền núi nhằm hạn chế nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân thấy rõ phương thức, thủ đoạn và hậu quả, hệ lụy của loại tội phạm nguy hiểm này; nâng cao ý thức người dân để chủ động, phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh, tố giác các đối tượng phạm tội. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan tới hôn nhân có yếu tố nước ngoài…

Trong hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, cần phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương như Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân... gắn với vai trò của ngành lao động thương binh xã hội. Cạnh đó, các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng cần tăng cường công tác phối hợp, kiên quyết đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em. Thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế nhất là với các nước láng giềng như: Trung Quốc, Lào, Campuchia... để tạo nên mối liên hệ bền vững, trao đổi thông tin, nghiệp vụ để điều tra, xử lý tội phạm, phối hợp xác minh, giải cứu nạn nhân.

Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách; xây dựng cơ sở dữ liệu, rà soát, quản lý đối tượng; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương như Viện kiểm sát, Toà án nhân dân, chính quyền cơ sở trong trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em góp phần phòng ngừa, răn đe tội phạm; đồng thời cần sớm chỉnh sửa theo hướng tăng mức phạt nặng đối với tội danh buôn bán người để đủ mức răn đe đối với loại tội phạm nguy hiểm này.

Với nhiều năm kinh nghiệm đấu tranh với tội phạm nói chung, tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết: Tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em đang dần trở thành vấn nạn quốc tế chứ không riêng ở Việt Nam. Các đối tượng mua bán phụ nữ, trẻ em vẫn không ngừng mở rộng mạng lưới, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn phạm tội, gây ảnh hưởng lâu dài đến an ninh trật tự, đời sống của nạn nhân và cộng đồng xã hội, nhất là tại các địa bàn giáp biên, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, công tác đấu tranh, giải cứu nạn nhân là vô cùng phức tạp, gian nan. Vì vậy, chúng tôi mong cả xã hội chung tay vào cuộc một cách quyết liệt để từng bước ngăn chặn và đẩy lùi loại tội phạm này./.

Bài và ảnh: Trần Tuấn - Tạ Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN