Chiến thắng Thượng Đức - Bản hùng ca bất tử
(ĐCSVN) – Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Thượng Đức nhằm ôn lại chiến thắng lịch sử hào hùng, có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta nói chung và trong chiến dịch giải phóng Thượng Đức nói riêng.
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm. |
Tối 07/8, tại Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức (xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc), Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Thượng Đức (07/8/1974 - 07/82024).
Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam cho biết, ngày 27/01/1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết. Đây là một trong những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi này tạo tiền đề vững chắc để quân và dân ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thế nhưng, với hành động phá hoại Hiệp định Pa-ri, quân ngụy đưa lực lượng cơ động vào thực hiện âm mưu lấn chiếm, “tràn ngập lãnh thổ”, phân tuyến, chia vùng, giành dân, lấn đất, xóa thế “da báo”, đẩy lực lượng cách mạng, nhất là lực lượng chủ lực quân giải phóng ra khỏi vùng đồng bằng và đô thị. Ở Quảng Đà, chúng từng bước lấn chiếm lại vùng giải phóng và ra sức củng cố chi khu quân sự Thượng Đức thành tiền đồn vững chắc để bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng.
Trước tình hình đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III xác định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng”. Quán triệt tinh thần nghị quyết đó, giữa năm 1974, Ban Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch tổng hợp mùa Thu 1974, xác định chiến trường trọng điểm hoạt động là Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi với 5 khu chiến, trong đó có: Khu chiến Nông Sơn - Trung Phước; Khu chiến Tây Quế Sơn (Quảng Nam); Khu chiến Thượng Đức (Quảng Đà)...
Chi khu quân sự Thượng Đức được Mỹ xây dựng trở thành tiền đồn vững chắc để bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng và khống chế tuyến đường 14 của ta ở phía Tây Quảng Đà. Chi khu quân sự gồm một cụm cứ điểm kiên cố nằm ở thôn Hà Tân, xã Lộc Bình (nay là xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc), nơi ngã ba sông Cái và sông Côn, cạnh quốc lộ 14, cách đường đông Trường Sơn không xa, cách Đà Nẵng khoảng hơn 40km đường chim bay. Theo đánh giá của địch, Thượng Đức là “Mắt ngọc của đầu rồng”, là “Cánh cửa thép bất khả xâm phạm”. Thượng Đức nằm trong thế phòng thủ chung thuộc vùng I chiến thuật của Mỹ - ngụy, “cánh cửa thép” bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng; các tướng lĩnh của địch kiêu ngạo thách thức: “Bao giờ nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới chiếm được Thượng Đức!”.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tặng quà tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và người có công tại buổi lễ. |
Trước âm mưu của Mỹ nguỵ và do vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Thượng Đức, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xác định: “Chiến dịch này phải thắng cả về quân sự và chính trị. Quân sự là diệt gọn quân địch tại chỗ, thu hút, giam chân và tiêu diệt một bộ phận lực lượng cơ động của địch. Chính trị là giải phóng bảo đảm đời sống cho hơn 10 nghìn dân, đập tan chính quyền cơ sở và tề điệp ác ôn, giữ vững vùng giải phóng, đánh bại quân địch đến giải tỏa, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tiến công tổng hợp của quân khu phát triển và giành thắng lợi”. Chiến dịch Thượng Đức được đặt mật danh là K711.
Nhiệm vụ tấn công cụm cứ điểm Thượng Đức được sử dụng lực lượng chủ lực của Bộ có Sư đoàn 304 và Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 phối hợp với các lực lượng Quân khu 5, lực lượng vũ trang và quần chúng Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và huyện Đại Lộc.
Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành hết sức khẩn trương, đặc biệt là khu vực trọng điểm. Ngày 06/6/1974, tại Sở chỉ huy Sư đoàn 304 ở khu vực sông Bung (huyện Nam Giang), Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Sư đoàn 304.
Sáng ngày 29/7/1974, Sư đoàn 304 nổ súng tấn công Thượng Đức. Sau một ngày chiến đấu ác liệt, các đơn vị thuộc Sư đoàn 304 và của tỉnh đã tiêu diệt cứ điểm Ba Khe, Gò Cấm, đồi Mồ Côi, Lục Nam, bao vây cứ điểm động Hà Sống. Tại cứ điểm Thượng Đức, lực lượng của Sư đoàn 304 gặp khó khăn không phát triển được, phải dừng để làm công tác tư tưởng, tổ chức lại lực lượng, chuyển chiến thuật. Lực lượng vũ trang của tỉnh làm nhiệm vụ tấn công các chốt quân sự của địch, giải phóng Nhân dân ra khỏi khu dồn.
Trận chiến giữa ta và địch diễn ra ác liệt, kéo dài nhiều ngày. Với tinh thần anh dũng chiến đấu, sử dụng chiến thuật hiệu quả, đến 08 giờ 30 phút sáng ngày 07/8/1974, quân ta đã làm chủ hoàn toàn chi khu quân sự Thượng Đức, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Đà tặng Sư đoàn 304 tung bay trên chi khu quân sự Thượng Đức, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch. Từ tháng 8 đến tháng 12/1974, quân ta tiếp tục đánh bại các đợt tấn công “tái chiếm” của quân chủ lực địch, gồm quân dù và thủy quân lục chiến, bẻ gãy xương sống của lực lượng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn.
Đại diện Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Sư đoàn 304 thay mặt các lực lượng tham gia chiến dịch Thượng Đức phát biểu tại buổi lễ. |
“Chiến thắng Thượng Đức khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, nhạy bén của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời phản ánh rõ sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang trên chiến trường Khu 5 về trình độ và khả năng tác chiến hiệp đồng binh chủng; góp phần làm phá sản “kế hoạch bình định, lấn chiếm” và âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của địch. Từ Chiến dịch Thượng Đức, ta hiểu rõ về đối tượng tác chiến, phản ứng của ngụy quân Sài Gòn, đánh giá sâu sắc và cụ thể so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, đặc biệt là khả năng can thiệp quân sự trở lại của đế quốc Mỹ… Đó là một trong những cơ sở thực tiễn có ý nghĩa quan trọng để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục hoàn thiện kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”- đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam khẳng định.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, với truyền thống cách mạng kiên cường, với ý chí và quyết tâm không chịu khuất phục trước khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam đã phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết một lòng, phấn đấu vươn lên viết tiếp trang sử hào hùng, vẻ vang của quê hương đất Quảng. Sau hơn 27 năm tái lập, tỉnh Quảng Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên hình ảnh, diện mạo và vị thế của một Quảng Nam chủ động, sáng tạo trong tư duy; đúng đắn, quyết liệt trong hành động...
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định, phát huy truyền thống cách mạng và đúc kết kinh nghiệm quyết tâm, sáng tạo, đoàn kết của quân và dân ta từ Chiến thắng Thượng Đức, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển, tiếp tục tạo nên những đổi thay của địa phương, trong đó có vùng Thượng Đức; đồng thời không ngừng quan tâm, chăm lo đời sống người có công; bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị Di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến thắng Thượng Đức…
Các đại biểu tham dự buổi lễ. |
“Chiến thắng Thượng Đức là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương sáng ngời về ý chí quyết chiến, quyết thắng, về tinh thần tiến công liên tục, ý chí sắt đá, lòng quả cảm vô biên của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 và các lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đà, huyện Đại Lộc; khẳng định sức mạnh to lớn của tinh thần đoàn kết quân dân... Niềm tự hào về Chiến thắng Thượng Đức chắc chắn sẽ là hành trang sức mạnh, là niềm tin, là tiền đề vững chắc, là động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, viết tiếp trang sử hào hùng và quyết tâm thực hiện khát vọng phát triển, xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”- đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, đại diện Ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Sư đoàn 304 thay mặt các lực lượng tham gia chiến dịch Thượng Đức; đại diện lãnh đạo huyện Đại Lộc và thế hệ trẻ địa phương đã phát biểu, tiếp tục khẳng định ý nghĩa, giá trị của Chiến thắng Thượng Đức 50 năm trước cũng như việc phát huy các giá trị, bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Thượng Đức để góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh.
Dịp này, các đại biểu, Nhân dân địa phương đã thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề: Thượng Đức - Bản hùng ca bất tử”, quy tụ đông đảo nghệ sĩ, diễn viên đến từ Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam tham gia biểu diễn, để lại nhiều cảm xúc cho các đại biểu và Nhân dân tham dự Lễ kỷ niệm cũng như qua sóng truyền hình trực tiếp từ Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Quảng Nam./.