Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chế độ đối với người bị nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ

Thứ Tư, 19/04/2023 12:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo luật sư, không phải cứ bị phơi nhiễm HIV là đồng nghĩa với việc nhiễm HIV. Điều này phụ thuộc vào từng hành vi cụ thể và mức độ nguy cơ của hành vi đó.

Ngày 17/4, Đội cảnh sát giao thông Phú Lâm thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC08) công an TP HCM cho biết đã bàn giao Nguyễn Tấn Vũ (SN 1990, quê Vĩnh Long) cho Công an phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân để tiếp tục điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Vũ là người nhiễm HIV. Liên quan đến vụ việc này, một chiến sĩ có nguy cơ phơi nhiễm HIV.

Trước đó, khoảng 15h30 cùng ngày, trong quá trình tuần tra, kiểm soát khi đến giao lộ Quốc lộ 1 và Tân Kỳ Tân Quý thì nhận được tin báo từ người dân và nhờ hỗ trợ vây bắt kẻ trộm cắp xe máy biển số 59N2-679..., tổ công tác đã nhanh chóng báo cho Chỉ huy đội và tiến hành truy bắt theo định vị người dân cung cấp.

 Đối tượng trộm xe máy bị cảnh sát giao thông truy đuổi, bắt giữ và bàn giao cho Công an phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân (Ảnh: PC08 thành phố Hồ Chí Minh cung cấp)

Khi đến trước số nhà trên đường Tây Lân, phường Bình Trị Đông A, Đại úy Đặng Văn Hùng và Đại úy Nguyễn Hoàng Nam đã đuổi kịp, lao vào khống chế đối tượng. Trong lúc vật lộn, kẻ trộm và Đại úy Nam đều bị xây xát và chảy máu, máu của tên trộm dính vào vị trí xây xát của đại úy Nam.

Tại trụ sở Công an, nam thanh niên khai là Nguyễn Tấn Vũ, có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản, 1 tiền sự về ma túy.

Test nhanh Nguyễn Tấn Vũ cho kết quả người này bị nhiễm HIV. Ngay sau đó, Đại úy Nam đã nhanh chóng đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để xét nghiệm và điều trị phơi nhiễm, sức khỏe hiện ổn định.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết theo định nghĩa của Bộ Y tế thì phơi nhiễm HIV là một thuật ngữ được dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu và mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn tới nguy cơ lây nhiễm HIV.

Tại Điều 3 Quyết định 120/2008/QĐ-TTg, ngày 29 tháng năm 2008 Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện để xác định người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, cụ thể như sau:

1. Bị một trong ba tai nạn sau đây khi đang thi hành nhiệm vụ:

a) Bị kim, vật nhọn đâm, vật sắc cứa xuyên qua da hoặc vật làm da bị trầy xước, nứt nẻ mà những vật này đã tiếp xúc với máu, sản phẩm máu hoặc dịch cơ thể người nghi nhiễm HIV;

b) Bị máu, sản phẩm máu, dịch cơ thể người nghi nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với da bị trầy xước, nứt nẻ;

c) Bị máu, sản phẩm máu, dịch cơ thể người nghi nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc mắt, mũi, miệng.

2. Có Biên bản tai nạn rủi ro nghề nghiệp (theo mẫu Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này). Biên bản này phải được lập trong vòng 48 giờ kể từ khi xảy ra tai nạn, có xác nhận của người làm chứng và được Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người bị phơi nhiễm với HIV ký, xác nhận.

3. Kết quả xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật ELISA của người bị phơi nhiễm với HIV là âm tính. Mẫu máu được sử dụng để xét nghiệm phải được lấy từ người bị phơi nhiễm trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm xảy ra một trong ba tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Luật sư Kỹ phân tích, theo quy định tại Điều 46 Chương V Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007; được sửa đổi, bổ sung theo Luật số: 71/2020/QH14, ngày 16 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021, thì chế độ đối với người bị phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp bao gồm: Người bị phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật; Người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được khám, chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội và được cấp thuốc kháng HIV miễn phí.

Với trường hợp cụ thể nói trên, chiến sỹ công an bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được hưởng chế độ quy định tại theo Khoản 1.1 Điều 1 Mục III Thông tư liên tịch 10/2005/TTLT-BYT-BTC (Số: 10/2005/TTLT-BYT-BTC, ngày 30 tháng 3 năm 2005).

Theo đó, được xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV và được điều trị miễn phí các thuốc dự phòng chống lây nhiễm HIV do bác sỹ chỉ định theo quy định của Bộ Y tế; Được nghỉ việc để điều trị dự phòng trong 20 ngày làm việc. Trong thời gian nghỉ việc được hưởng nguyên lương và phụ cấp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, các chiến sĩ lực lượng vũ trang (quân đội, công an…) luôn nỗ lực phấn đấu hết mình, dù đối mặt với kẻ thù nguy hiểm đến đâu thì họ vẫn dũng cảm, quên mình, nêu cao tinh thần thép, kiên quyết đấu tranh trấn áp đến cùng với tội phạm.

“Trong quá trình đó, không ít chiến sỹ đã bị thương, bị phơi nhiễm HIV khi đối tượng quá khích chống trả, hoặc bị lây nhiễm từ người bị nạn, để lại những tổn thất về tinh thần và sức khỏe không gì bù đắp được”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN