Chặng đường 10 năm xây dựng nền quốc phòng toàn dân giai đoạn 2009 – 2019 của Bộ Y tế
(ĐCSVN) - Để bảo đảm y tế cho quốc phòng, góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp phát triển y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân, bảo đảm quốc phòng an ninh và xây dựng các tỉnh/thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc.
Theo PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự Bộ Y tế, xác định công tác quốc phòng là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành, những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, đầu tư của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, sự nỗ lực của ngành Y tế và sự tham gia tích cực của các ban, ngành địa phương và toàn xã hội, ngành Y tế Việt Nam đã đạt được kết quả đáng kể trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân.
Những kết quả đáng kể trong cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân
Hầu hết các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân qua từng giai đoạn đã hoàn thành. Các bệnh dịch nguy hiểm đã được khống chế. Công tác bảo vệ, CSSK nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần nâng cao tầm vóc và sức khỏe con người. Đây là yếu tố thuận lợi, tạo nền tảng phát triển y tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
Để bảo đảm y tế cho quốc phòng, góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp phát triển y tế phục vụ CSSK nhân dân, bảo đảm quốc phòng an ninh và xây dựng các tỉnh/Thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc; trong đó có một số giải pháp quan trọng như: Tổ chức quán triệt cho các đơn vị thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng an ninh; tăng cường công tác giáo dục quốc phòng an ninh nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức ngành Y tế đối với nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới; Quán triệt nhiệm vụ chiến lược của Đảng về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ Y tế luôn quan tâm tới nhiệm vụ xây dựng chiến lược phát triển y tế gắn với bảo đảm cho quốc phòng an ninh.
Đặc biệt, trong phát triển quy hoạch, ngành Y tế luôn gắn với nhiệm vụ sẵn sàng bảo đảm cho quốc phòng tại các địa phương; Quan tâm tới việc thành lập và kiện toàn Ban chỉ huy quân sự Bộ và các đơn vị trực thuộc làm tham mưu cho cấp ủy, thủ trưởng đơn vị triển khai công tác quốc phòng ở cơ quan, đơn vị mình. Trong đó, quan tâm tới việc xây dựng lực lượng tự vệ cơ quan đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ; Với mục tiêu chiến lược“Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, cả quân y và dân y vào việc phục vụ sức khoẻ nhân dân và lực lượng vũ trang trong thời bình; chuẩn bị sẵn sàng và đối phó có hiệu quả khi có chiến tranh và các tình huống cần thiết khác”, Bộ Y tế đã triển khai công tác kết hợp quân dân y xây dựng lực lượng dự bị động viên, lực lượng huy động ngành Y tế đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, sẵn sàng động viên theo chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành và các địa phương; Nâng cao chất lượng công tác kết hợp quân dân y, tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa lực lượng y tế Nhân dân với lực lượng quân y trên toàn quốc, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong CSSK nhân dân, thực hiện công tác dân vận ở địa bàn trọng điểm quốc phòng - an ninh, đảm bảo công bằng xã hội về quyền được hưởng dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Đồng bộ thực hiện các nhiệm vụ trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân
Tới đây, để triển khai các nhiệm vụ, nội dung xây dựng nền quốc phòng toàn dân đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị toàn ngành y tế triển khai tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, theo đó, tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản bao gồm:
Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt các nội dung của Luật Quốc phòng, các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về công tác quốc phòng quân sự, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ công nhân viên chức trong mỗi đơn vị đối với công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Hai là, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo về công tác quốc phòng; đặc biệt bảo đảm y tế trong các trạng thái quốc phòng.
Ba là, tổ chức rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy quân sự; xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ huy quân sự các cấp. Phối hợp với cơ quan quân sự địa phương xây dựng, huấn luyện tốt các đơn vị tự vệ trong ngành Y tế bảo đảm các đơn vị luôn bảo đảm sẵn sàng trong mọi tình huống;
Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện Luật Quốc phòng, đẩy mạnh các hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ của các đơn vị, trong đó có lực lượng y tế cơ động sẵn sàng tham gia khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt, phòng chống dịch bệnh...
Năm là, thực hiện tốt công tác kết hợp quân dân y trong xây dựng các đơn vị dự bị động viên, lực lượng huy động Ngành Y tế, sẵn sàng bảo đảm y tế cho khu vực phòng thủ tỉnh thành phố và đáp ứng cho các tình huống đột xuất khác.
Sáu là, duy trì, đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng an ninh, đặc biệt là trong các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp Ngành Y. Thực hiện tốt công tác đào tạo sĩ quan dự bị quân y, quân dược theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.
Bảy là, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng tự vệ và dự bị động viên.