Cao Bằng: Các dự án thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số được thực hiện có hiệu quả
(ĐCSVN) - Theo Sở Y tế Cao Bằng, trong năm 2020, ngành Y tế của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực về các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân, hoạt động của các dự án thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số được duy trì thường xuyên và thực hiện có hiệu quả,…
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Thương Huyền) |
Theo Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, ước thực hiện từ 1/1/2020 đến 31/12/2020, ngành Y tế Cao Bằng đã đạt được các kết quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cụ thể, số bác sỹ/vạn dân đạt 15, số giường bệnh/vạn dân đạt 34,9; 100% trạm Y tế xã có bác sỹ làm việc, bao gồm cả bác sỹ tăng cường, luân phiên tuần 2 buổi. Đồng thời, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng với tỷ lệ 16,67%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,88%; mức giảm tỷ suất sinh 0,089 phần nghìn; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm Y tế đạt 98,17%.
Trong năm 2020, ngành Y tế địa phương đã tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh tại các tuyến. Chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Thực hiện tốt công tác phân tuyến kỹ thuật tại các tuyến. Quản lý, sử dụng thuốc đúng quy chế, đảm bảo an toàn, hợp lý.
Ngoài ra, ngành Y tế địa phương đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế theo yêu cầu của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượt khám bệnh, điều trị tại các tuyến hầu hết đều giảm, mặt khác, trong thời gian triển khai sáp nhập các cơ sở y tế tuyến huyện/xã đều có ảnh hưởng gián đoạn tạm thời đến công tác khám chữa bệnh. Ước năm 2020, tổng số lần khám bệnh đạt 705.373 lượt; bệnh nhân điều trị nội trú đạt 81.623 lượt; điều trị ngoại trú 16.339 lượt; phẫu thuật các loại 7.046 ca. Ngày điều trị nội trú trung bình toàn tỉnh đạt 7,1 ngày, công suất sử dụng giường bệnh 365 ngày của toàn tỉnh đạt 84,8%.
Bên cạnh đó, số lượt người tham gia bảo hiểm Y tế có khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ 1/1/2020 đến 15/10/2020 trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm Y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là 518.822 lượt.
Cũng theo Sở Y tế Cao Bằng, trong năm 2020, về công tác dân số, hoạt động của các dự án thuộc chương trình mục tiêu Y tế - Dân số được duy trì thường xuyên và thực hiện có hiệu quả.
Trong đó, về dự án tiêm chủng mở rộng được duy trì thực hiện tại 100% xã, phường, đảm bảo chất lượng, không có tai biến sau tiêm chủng. Về kết quả cụ thể, số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin đạt 90%, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2019. Phụ nữ có thai được tiêm đủ liều vắc xin phòng uốn ván sơ sinh đạt 86,8%, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ lệ tiêm vắc xin sởi – Rubela cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 87,4%, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ 1-5 tuổi (mũi 3) đạt 94,8%, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B 24h sau sinh 79,3%, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Về dự án dân số và phát triển, với hoạt động dân số - kế hoạch hóa gia đình, đã cung ứng phương tiện tránh thai và đảm bảo chất lượng phương tiện thánh trai cho các đối tượng có nhu cầu theo nhiều hình thức: miễn phí cho các đối tượng theo quy định, cung cấp theo hình thức tiếp thị xã hội. Bên cạnh đó, duy trì các hoạt động sàng lọc trước sinh; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tiếp tục thực hiện tại 20 xã, phường thuộc 4 huyện, thành phố.
Về mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng, duy trì các hoạt động tại 6 xã, phường của thành phố, huyện Quảng Uyên và Hòa An như: truyền thông, tư vấn, chăm sóc người cao tuổi thông qua đội ngũ tình nguyện viên và sinh hoạt định kỳ tại các câu lạc bộ,…
Ngoài ra, ngành Y tế tỉnh tích cực thực hiện các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, lồng ghép tuyên truyền các mô hình nâng cao chất lượng dân số,…
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn năm 2020, tổng tỷ suất sinh (số con/phụ nữ) đạt 2,42 con. Tỷ số giới tính khi sinh 112 trẻ trai/100 trẻ gái. Tổng số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 27.130 cặp.
Về các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em được đảm bảo an toàn. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 3 lần trong 3 kỳ thai nghén, đạt 80,1%; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 84,2%; tỷ lệ phụ nữ đẻ do nhân viên y tế đỡ đạt 88,3%. Về hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, duy trì cân và theo dõi biểu đồ tăng trưởng 3 tháng/lần cho trẻ em dưới 2 tuổi, trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng. Duy trì cung cấp vitamin A cho bà mẹ sau đẻ.
Theo Sở Y tế Cao Bằng, năm 2020, địa phương đạt 34,9 giường bệnh/vạn dân, năm 2021, Sở Y tế đề xuất tăng thêm 15 giường bệnh, trong đó, tăng cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng 10 giường và Bệnh viện đa khoa huyện Trùng Khánh 5 giường. Đồng thời, ngành Y tế địa phương đưa ra các chỉ tiêu khác để triển khai thực hiện gồm: tỷ số giới tính khi sinh 110 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 98,5%; số bác sĩ/vạn dân: 15; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ trên 90%,…
Để đạt được mục tiêu trên, Sở Y tế Cao Bằng cho biết, sẽ tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, duy trì và đẩy mạnh hoạt động của đường dây nóng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Từng bước phát triển về chuyên khoa sâu, đẩy mạnh kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong công tác khám chữa bệnh. Tiếp tục cử cán bộ chuyên môn đi luân phiên hỗ trợ cho tuyến dưới và tiếp tục nhận sự hỗ trợ chuyên môn của tuyến Trung ương cho tuyến tỉnh.
Sở Y tế Cao Bằng xác định cần thực hiện tốt Chỉ thị số 07/CT-BYT ngày 19/6/2014 của Bộ Y tế về tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, đa dạng hóa các loại hình truyền thông. Tuyên truyền các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, để mọi người dân tự nguyện tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội.
Ngoài ra, triển khai các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và phát huy tối đa hiệu quả công suất sử dụng trang thiết bị. Thực hiện tốt phân tuyến chuyên môn kỹ thuật theo từng tuyến để giảm bớt tình trạng quá tải ở tuyến trên và đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng tại cơ sở./.