Cần truy vết F1 một cách thần tốc và triệt để thông qua các mốc dịch tễ
(ĐCSVN) - Để truy vết F1 một cách “thần tốc” và “triệt để”, theo PGS. Trần Như Dương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cần xác định các “mốc dịch tễ”, bởi “mốc dịch tễ” chính là những đầu mối dịch tễ lớn để từ đó truy vết lần ra từng người tiếp xúc với bệnh nhân.
Ảnh minh họa (Ảnh: TL) |
Theo PGS. Trần Như Dương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, từ thực tế chống dịch tại Việt Nam ngay từ những ngày đầu chống dịch cho đến nay, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch của chúng ta đã đề ra và duy trì 5 chiến lược lớn xuyên suốt, nhất quán để phòng chống dịch COVID-19 và đã được chứng minh qua thực tiễn là phù hợp và hiệu quả. Cụ thể gồm: chiến lược ngăn chặn; chiến lược phát hiện; chiến lược cách ly; chiến lược khoanh vùng dập dịch và chiến lược điều trị hiệu quả. Đặc biệt, trong chống dịch tại thực địa thì việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo “chiến lược phát hiện; chiến lược cách ly và chiến lược khoanh vùng dập dịch” là hết sức quan trọng, đóng vai trò then chốt cho công tác chống dịch.
Chia sẻ về những kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19, PGS. Trần Như Dương cho rằng, khi ca bệnh COVID-19 xảy ra trong cộng đồng, việc đầu tiên không kém phần quan trọng mà chúng ta phải làm ngay chính là phải truy vết tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân để tổ chức cách ly. Việc truy vết chính là một trong 3 trụ cột chính của chiến lược phát hiện gồm: “giám sát, truy vết và xét nghiệm”.
Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân hay còn gọi là F1, là những người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh và có thể sẽ trở thành nguồn lây nguy hiểm trong cộng đồng. Chính vì vậy việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh là yếu tố cực kỳ quyết định trong việc chống dịch với nguyên tắc truy vết là phải “Thần tốc và triệt để”. Cần phải “thần tốc” và khẩn trương bởi thời gian ủ bệnh của COVID-19 có thể rất ngắn chỉ từ 1-2 ngày cho tới 14 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh. Chính vì vậy phải truy vết càng nhanh càng tốt, không được trậm trễ, bởi chậm trễ giờ nào, ngày nào là nguy cơ F1 có thể trở thành F0 và sẽ làm lây lan ra toàn cộng đồng, hậu quả sẽ rất lớn. Và cần phải “triệt để” để truy vết được hết không được để sót F1. Nếu bỏ sót F1 thì rất nguy hiểm và đây là một chỉ số rất xấu trong chống dịch.
Cũng theo PGS. Trần Như Dương, khi truy vết F1, không nên hỏi ngay bệnh nhân vào chi tiết những người tiếp xúc mà cần xác định các “mốc dịch tễ” trước , bởi “mốc dịch tễ” chính là những đầu mối dịch tễ lớn để từ đó mới truy vết lần ra từng người tiếp xúc. “Mốc dịch tễ” chính là những địa điểm, những sự kiện mà bệnh nhân đã đến, đã tham dự trong thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát đến khi bệnh nhân được cách ly y tế. Ví dụ như: các mốc dịch tễ hay gặp tại thực địa là đám cưới, đám ma, chợ, quán ăn, lễ hội, bệnh viện, cơ quan, công sở,... Truy các “mốc dịch tễ” rất quan trọng để từ đó mới truy ra từng cá nhân F1. Nếu bị bỏ quên mốc dịch tễ thì có nghĩa là rất nhiều F1 sẽ bị bỏ sót. Một bệnh nhân thường đi rất nhiều nơi, tham gia rất nhiều hoạt động nên có rất nhiều “mốc dịch tễ” ở nhiều địa điểm khác nhau cần phải điều tra.
Do vậy, để truy vết thần tốc, nhóm điều tra ban đầu khi phát hiện được các “mốc dịch tễ” cần báo cáo ngay về bộ phận đầu mối bằng mọi phương tiện nhanh nhất, thường là dùng điện thoại hoặc gửi qua Zalo tên, địa chỉ của các mốc dịch tễ. Căn cứ vào các mốc dịch tễ nhận được, Bộ phận đầu mối ngay lập tức cử nhiều đội truy vết đồng loạt tới các địa điểm có “mốc dịch tễ” để truy vết F1. Trong trường hợp một số “mốc dịch tễ” nằm ngoài địa bàn quản lý thì bộ phận điều phối sẽ liên hệ và thông báo “mốc dịch tễ” cho các đơn vị liên quan để phối hợp điều tra truy vết ngay.
PGS. Trần Như Dương nhấn mạnh, khi dịch bệnh đã có sự lây nhiễm trong cộng đồng thì tình huống sẽ trở nên hết sức phức tạp vì mầm bệnh đã xâm nhập vào cộng đồng như “kẻ thù giấu mặt” và lúc này bệnh nhân mắc mới có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Vì vậy, chúng ta cần chủ động, nhanh chóng tận dụng khoảng thời gian vàng ngay từ đầu để tổ chức giám sát, phát hiện, lấy mẫu và cách ly tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng.
“Muốn làm được điều này, chúng ta phải tổ chức giám sát có hệ thống, toàn diện các trường hợp sốt, ho, đau họng, viêm đường hô hấp tại cộng đồng dân cư. Khi phát hiện được những trường hợp này đều phải được coi là những ca bệnh nghi ngờ, phải tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm ngay lập tức. Thực hiện được điều này triệt để sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng giúp chúng ta phát hiện được sớm nhất nguồn nghi ngờ lây nhiễm trong cộng đồng” – PGS. Trần Như Dương nêu quan điểm.
PGS. Trần Như Dương cho rằng, một trong những kinh nghiệm rất quan trọng nữa của chiến lược phát hiện đó là thực hiện xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm nhanh tại cộng đồng cũng như xét nghiệm những nhóm người nguy cơ cao để phát hiện ngay nguồn bệnh trong vùng dịch. Tiêu biểu như tại Đà Nẵng, công việc này đã được thành phố đầu tư nguồn lực rất mạnh và thực hiện một cách hết sức quyết liệt trong suốt giai đoạn chống dịch. Chỉ trong vòng 1 tháng, riêng thành phố Đà Nẵng đã thực hiện xét nghiệm tới 326.000 mẫu bệnh phẩm phục vụ chống dịch.
Ngoài ra, một trong những biện pháp giúp Việt Nam chống dịch nhanh chóng đó là thực hiện cách ly một cách triệt để, bài bản để cô lập nguồn lây và không cho nguồn lây có cơ hội lây lan ra cộng đồng. Đối với bệnh nhân, chúng ta cần tổ chức cách ly nghiêm ngặt tại bệnh viện. Riêng đối với các trường hợp F1, đây là những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19 nên có nguy cơ rất cao bị lây bệnh. Chính vì vậy, việc cách ly tập trung đối với F1 là một trong những biện pháp chống dịch cực kỳ quan trọng và bắt buộc phải làm. Khi truy vết được F1 phải nhanh chóng đưa ngay ra khỏi cộng đồng, kiên quyết không được cho F1 tự cách ly tại nhà. Bởi vì, việc cách ly tại nhà là không triệt để và rất khó kiểm soát.
“Chỉ cần người F1 lơ là, thiếu ý thức, vi phạm quy định cách ly thì khi đó nguy cơ gieo rắc vi rút là rất lớn, sẽ tạo thành lỗ thủng trong hệ thống phòng dịch của chúng ta để từ đó lây bệnh ra cộng đồng. Chính vì vậy, cần sự cương quyết trong việc phải cách ly F1 bắt buộc tại cơ sở cách ly tập trung một cách nhanh nhất, không có ngoại lệ” – PGS. Trần Như Dương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một trong những chiến lược quan trọng nữa trong chống dịch tại Việt Nam chính là khoanh vùng dập dịch. Khi xuất hiện các điểm nóng dịch tễ, ổ dịch phức tạp, ổ dịch có các yếu tố dịch tễ khó kiểm soát thì phải tiến hành khoanh vùng, cách ly y tế toàn bộ vùng có dịch, dập dịch triệt để ở bên trong ngăn chặn không cho dịch lan rộng trong cộng đồng và không để dịch lây lan sang các vùng khác, địa phương khác. Tùy theo tình hình thực tiễn về dịch tễ mà lựa chọn quy mô vùng cách ly một cách hợp lý với nguyên tắc khoanh vùng gọn nhất có thể, nguy cơ đến đâu thì khoanh vùng đến đó nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu chuyên môn mà lại giảm thiểu tối đa ảnh hưởng về kinh tế, an sinh xã hội của địa phương.
Một trong những kinh nghiệm trong chống dịch tại thực địa không thể không nói tới việc chống dịch dựa vào cộng đồng, huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia vào công tác phòng chống dịch. Theo PGS. Trần Như Dương, chúng ta coi chống dịch COVID-19 như chống giặc cho nên đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng gì của ngành y tế hay của chính quyền. Cuộc chiến này cần có sự chung sức đồng lòng của toàn thể nhân dân để tạo ra một sức mạnh tổng hợp trong chống dịch. Và, Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng là một minh chứng cho điều đó. Mục tiêu của tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng chính là giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 chủ động tại từng hộ gia đình. Các tổ này hoạt động trên tinh thần tình nguyện, tự nguyện dưới sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế. Khi triển khai Tổ phòng chống COVID-19 cộng đồng, cần lưu ý phải hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm cho các thành viên trong tổ. Trong đó, các thành viên của tổ khi làm nhiệm vụ phải luôn đeo khẩu trang; sử dụng nước sát trùng tay; tấm che mặt (nếu có). Trong quá trình làm nhiệm vụ, các thành viên của tổ không vào bên trong nhà dân, chỉ cần gõ cửa, đứng ngoài nhà yêu cầu người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu trên 2 mét khi giao tiếp với người trong hộ gia đình để đảm bảo an toàn phòng tránh lây nhiễm.
Những giải pháp trên trên sẽ là những kinh nghiệm quý báu trong việc tổ chức phòng chống dịch COVID-19 trong cộng đồng tại Việt Nam, đặc biệt là quá trình truy vết F1 thần tốc, triệt để , xét nghiệm trên diện rộng và tổ chức khoanh vùng để dập dịch nhanh chóng./.