Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần tập trung nguồn lực cao hơn nữa thực hiện có hiệu quả Chương trình 135

Thứ Sáu, 08/12/2017 16:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Năm 2017 là năm thứ hai triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQGGNBV) giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có Chương trình 135. Tuy tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng Chương trình 135 vẫn còn gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ.


Đường giao thông liên xã ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu được đầu tư nâng cấp,
sửa chữa bằng một phần vốn của Chương trình 135. (ảnh: Trần Quỳnh)

Kết quả Chương trình 135 đạt chưa cao do chậm phân bổ vốn

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, số liệu tạm tính đến thời điểm hết tháng 9 năm 2017, kết quả triển khai Chương trình 135 trên toàn quốc như sau:

Sau khi có Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình Mục tiêu giảm nghèo (MTQG) theo định hướng của Ban Chỉ đạo trung ương các Chương trình MTQG.

Ủy ban nhân dân các tỉnh đã xây dựng và ban hành nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn thực hiện Chương trình 135, bảo đảm tập trung nguồn lực cho các xã, thôn khó khăn nhất trên địa bàn.

Ngay sau khi có quyết định thông báo vốn của Trung ương, các tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, tiêu chí phân bổ vốn, giao kế hoạch cho các huyện, xã triển khai thực hiện các dự án của chương trình. Đến nay 39/50 tỉnh đã có quyết định phân bổ vốn; Các tỉnh triển khai còn chậm, chưa giao kinh phí, hoặc mới giao một phần như Bắc Kạn, Phú Thọ, Lâm Đồng, Đắk Nông, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Long An, Ninh Thuận, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu...

Năm 2017, tổng vốn trung ương đã phân bổ cho các địa phương là gần 3.770 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là hơn 2.800 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 969 tỷ đồng; Ngân sách địa phương tự cân đối là gần 226 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã phê duyệt quyết định phân bổ vốn thực hiện Chương trình 135 là gần 3.513 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là hơn 2.610 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là hơn 902 tỷ đồng.

Chương trình 135 được triển khai tại 2.275 xã (ngân sách trung ương đầu tư, hỗ trợ cho 2.240 xã; ngân sách địa phương đầu tư, hỗ trợ cho 35 xã) và 3.424 thôn đặc biệt khó khăn (ngân sách trung ương đầu tư, hỗ trợ cho 3.373 thôn; ngân sách địa phương đầu tư, hỗ trợ cho 51 thôn)

Thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho 2.576 công trình bao gồm: chuyển tiếp 1.105 công trình; khởi công mới 1.167 công trình; duy tu bảo dưỡng 306 công trình. Các công trình được đầu tư tập trung chủ yếu vào công trình giao thông, thủy lợi, công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình y tế, nước sinh hoạt, công trình điện, chợ và công trình khác....;

Vốn sự nghiệp các địa phương phân bổ thực hiện cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo là gần 679 tỷ đồng. Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở là hơn 65 tỷ đồng. Thực hiện việc hỗ trợ phát triển sản xuất tại các địa phương tập trung chủ yếu là hỗ trợ giống cây, giống con, phân bón, vật tư và một số mô hình phát triển sản xuất.

Hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, một số tỉnh Lai Châu, Bắc Giang, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Hòa Bình... đã tổ chức một số lớp đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã và các nhóm cộng đồng còn lại một số tỉnh hiện đang xây dựng nội dung, kế hoạch đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, khối lượng thực hiện đạt trên 70% so với kế hoạch, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 50%, tập trung ưu tiên vào thanh toán trả nợ công trình đã hoàn thành năm 2016, duy tu bảo dưỡng các công trình của nhóm thợ cộng đồng thực hiện và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón cho các hộ dân.

Vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ để Chương trình 135 đạt hiệu quả cao hơn

Ở trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm giao dự toán ngân sách thực hiện Chương trình MTQGGNBV năm 2017; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chưa ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo... nên gây nhiều khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình 135.

Ở địa phương, nhiều địa phương lúng túng trong triển khai Luật Đầu tư công và các nghị định kèm theo, đặc biệt việc phê duyệt danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm đối với các dự án khởi công mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch (theo điều 27 nghị định 77/2015/NĐ-CP ngày 10/09/2015). Như vậy theo quy định về thời hạn hoàn thành thủ tục đầu tư của các dự án khởi công mới sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.

Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQGGNBV giai đoạn 2016 - 2020; theo đó UBND các tỉnh phải thực hiện nhiều khâu công việc vì vậy kéo dài thời gian thực hiện.

Một số địa phương còn lúng túng trong việc phân bổ vốn thuộc diện đầu tư theo Quyết định số 204/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/01/2016, hoặc chờ quyết định mới về diện đầu tư.

Tiến độ triển khai các công trình hạ tầng còn chậm do phải thực hiện các khâu thẩm định, phê duyệt chủ đầu tư theo quy định. Kết quả giải ngân chủ yếu tập trung vào thanh toán các công trình đã quyết toán và các công trình chuyển tiếp, gần như không thanh toán được cho công trình mới. Việc quản lý còn thiếu chặt chẽ, nhất là đối với những công trình giao cho xã làm chủ đầu tư. Nguồn duy tu, bảo dưỡng chưa được quan tâm thực hiện, nhiều địa phương sử dụng nguồn vốn này cho nâng cấp, sửa chữa lớn.

Việc chia sẻ thông tin giữa Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của các tỉnh, thành phố chưa được quan tâm đúng mức nên dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương đạt hiệu quả không cao…

Một số kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn Chương trình 135 trong thời gian thới

Để thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình 135 trong năm 2018 và những năm tiếp theo, thiết nghĩa trung ương cần sớm có quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc. Cần ưu tiên phân bổ về nguồn lực, nhất là việc quy định về chế độ, định mức, hỗ trợ theo kịp với biến động giá cả (hoặc có cơ chế linh hoạt theo từng vùng, miền) để đảm bảo thực hiện hiện hoàn thành các mục tiêu của chính sách. Đồng thời, để giải quyết các vấn đề pháp luật về dân tộc liên quan đến mọi lĩnh vực cần sớm có văn bản pháp lý cao nhất, đó là Luật Dân tộc và đó sẽ là khung pháp lý cơ bản điều chỉnh các vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc để tạo điều kiện cho việc thực hiện công tác dân tộc thực chất hơn. Cần xây dựng chính sách đặc thù cho cán bộ làm công tác dân tộc, đồng thời phải quan tâm củng cố kiện toàn đội ngũ (cả về lượng và chất) cán bộ làm công tác dân tộc ở các cấp.

Trong giai đoạn tới, Chương trình 135, cũng như các chương trình, dự án khác về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với vùng miền núi cần đa dạng hoá nguồn tài chính cho đầu tư bằng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào vùng dân tộc, tăng cường khai thác các nguồn vốn từ hợp tác quốc tế cho phát triển vùng dân tộc. Trung ương cần sớm triển khai kế hoạch và phân bổ đầy đủ nguồn vốn cho Chương trình 135 ngay từ đầu năm giúp các địa phương tạo được thế chủ động trong việc triển khai thực hiện Chương trình.

Cần quy định tỷ lệ thích hợp trong bố trí cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số theo từng vùng, miền phù hợp; có chế độ, chính sách đặc thù đối với cán bộ làm công tác dân tộc các cấp.

Điều quan trọng nhất hiện nay là cần phải xóa bỏ rào cản lớn nhất đối với công tác xóa đói giảm nghèo, đó là tâm lý trồng chờ, ỷ lại của một bộ phận không nhỏ người dân nghèo vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Chỉ có xóa bỏ được tâm lý này thì mới tạo động lực cho người dân tự chủ động vươn lên xóa đói giảm nghèo một cách căn cơ và bền vững./.                                                                                                                       

Trần Quỳnh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN