Cân nhắc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá mới
(ĐCSVN) - Chưa thống nhất hướng quản lý thì liệu có cần đề xuất áp dụng ngay thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá mới hay không?. Đây là vấn đề được đặt ra trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Bộ Tài chính đang nghiên cứu các ý kiến góp ý cho Đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) để trình Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB với mặt hàng thuốc lá, nghiên cứu bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số sản phẩm không có lợi như: đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng…
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến tỏ ra băn khoăn trước đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá mới, bởi hiện nay loại thuốc lá này chưa được đưa vào diện quản lý, cho phép lưu hành tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Huy Quang - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Tổng hội Y học Việt Nam, việc bổ sung thuốc lá mới vào đối tượng chịu thuế trong Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi tại thời điểm này là chưa phù hợp vì Luật phòng, chống tác hại thuốc lá (Luật số 09/2012/QH13) chưa quy định khái niệm về các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới. Bên cạnh đó, hiện nay, Chính phủ đang lấy ý kiến của các bộ, ngành về phương án quản lý đối với sản phẩm thuốc lá mới và các ý kiến còn chưa thống nhất.
Việc Bộ Tài chính đề xuất chuẩn bị khung thuế TTĐB cho thuốc lá mới, đã ghi nhận nhiều luồng quan điểm của các chuyên gia trong và ngoài nước. Theo nhận định từ chuyên gia kinh tế Malaysia, TS. Carmelo Ferlito, CEO của Trung tâm Nghiên cứu Thị trường (CME), hành lang pháp lý chặt chẽ khi hợp pháp hóa thuốc lá mới là cần thiết. Trong cách thức quản lý các sản phẩm thuốc lá, thuế là một trong những công cụ then chốt. Tuy nhiên, chính sách thu thuế này cần được kết hợp với chiến lược giảm thiểu tác hại. Nói cách khác, mức thuế của từng sản phẩm thuốc lá cụ thể cần được quyết định tương ứng với vị trí trên chuỗi nguy cơ đối với môi trường, sức khỏe của sản phẩm đó, nghĩa là sản phẩm có nguy cơ càng cao thì sẽ có mức thuế càng cao và ngược lại, các sản phẩm ít gây hại hơn nên được hưởng chế độ thuế ưu đãi khi so sánh với các sản phẩm thay thế có hại hơn.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính. Ảnh: TL. |
Tại Hội thảo "Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm" do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, Bộ Tài chính nhận định, các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá làm nóng hiện nay đã phù hợp với định nghĩa của Luật hiện hành, vì vậy việc chuẩn bị sẵn khung thuế TTĐB cho sản phẩm này là điều cần thiết.
“Chúng tôi đồng ý đưa các sản phẩm thuốc lá mới này vào một diện quản lý như thuốc lá, để nộp thuế như thuốc lá và tất cả các chính sách liên quan cần phải đồng bộ,” bà Cúc nói.
Tuy nhiên, bà Cúc lưu ý, để quản lý thuốc lá mới, cần nhiều công cụ khác bên cạnh công cụ thuế. Bà Cúc dẫn chứng rượu, bia bị đánh thuế ngày càng cao, nhưng tỷ lệ người dùng vẫn không suy giảm. Chỉ đến khi áp dụng luật xử phạt với đối tượng có nồng độ cồn cao khi tham gia giao thông thì con số này mới giảm xuống.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Cúc, việc tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá nên có lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có thể điều chỉnh, sắp xếp bố trí hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, vừa hạn chế thuốc lá lậu, tránh thất thu thuế, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Lộ trình này cần cân nhắc cả về thời gian và mức thuế điều tiết.
Đồng quan điểm, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho hay, việc trình các cấp thẩm quyền để ban hành một luật thuế sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức. Do đó, nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ thì sẽ phải sửa đổi lại Luật thuế khi có văn bản quy định quản lý thuốc lá mới.
Hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi)” thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia. Ảnh: TL. |
Cùng quan ngại về đề xuất tăng thuế, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh phân tích: "Với điều kiện địa lý như chúng ta, nếu tăng thuế thì chưa chắc Nhà nước đã thu được nhiều thuế hơn, chưa chắc người tiêu dùng sẽ khó tiếp cận thuốc lá hơn. Bởi lẽ, thay vì tiếp cận với sản phẩm thuốc lá chính thống từ những nhà sản xuất có nộp thuế và đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thì họ sẽ sa đà vào hàng lậu với mức giá rất rẻ. Việc này xảy ra đối cả với thuốc lá truyền thống và thuốc lá mới". Đồng thời, bà Lan kiến nghị thêm: Không chỉ cần thống nhất về biện pháp áp dụng thuế mà còn cần triển khai chính sách đồng bộ, toàn diện trong việc quản lý thuốc lá mới.
Tại hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi)” diễn ra vào ngày 5/7 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, một số doanh nghiệp thuốc lá tỏ ra băn khoăn, nếu tiếp tục tăng giá thuốc lá chính ngạch, người dùng sẽ có xu hướng tìm đến các nguồn hàng lậu, hàng kém chất lượng vì có giá thành thấp hơn nhờ trốn thuế.
Theo các chuyên gia, việc tăng thuế TTĐB cần thực hiện một cách thận trọng và có lộ trình phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội để hỗ trợ tốt nhất cho các mục tiêu mà Chính phủ đề ra, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực tới ngành thuốc lá, thị trường thuốc lá hợp pháp, cũng như tất cả người lao động tham gia vào chuỗi cung ứng./.