Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cá nhân có quyền tổ chức họp báo?

Thứ Tư, 14/08/2024 09:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Pháp luật cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức họp báo để thông tin những việc liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân đó nhưng phải thông báo đến cơ quan chức năng trước thời điểm diễn ra họp báo 24 giờ. Nếu không xin phép là vi phạm pháp luật.

Trước đó, ngày 5/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nữ diễn viên Nam Thư cùng đại diện công ty TNHH Nam Thư Entertainment tổ chức buổi gặp gỡ truyền thông với sự tham dự của một số phóng viên và đại diện trang thông tin điện tử. Tại đây, Nam Thư cho biết những tin đồn cho rằng cô có mối quan hệ tình cảm với người đàn ông đã có gia đình, hăm dọa người khác, quỵt tiền thuê homestay... là sai sự thật.

Đồng thời, đưa ra lịch trình cá nhân, các bằng chứng phản biện những thông tin từ người chủ tài khoản Facebook tên Zyy Doo đã đưa ra trước đó. Nam Thư phủ nhận thông tin là người thứ ba, xen vào mối quan hệ tình cảm của chủ tài khoản Zyy Doo.

Nhiều bạn đọc muốn biết pháp luật có cho phép cá nhân được tự tổ chức gặp gỡ truyền thông, họp báo không? Quy định cụ thể ra sao?

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN, luật gia Nguyễn Minh Phương (Công ty luật TNHH Trường Sơn) cho biết Điều 41 Mục 2 Chương IV Luật Báo chí 2016 (Luật số: 103/2016/QH13 ngày 05 tháng 4 năm 2016) nêu rõ cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có quyền tổ chức họp báo để công bố, tuyên bố, giải thích, trả lời các nội dung có liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.

Việc họp báo của cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Khoản 10 Điều 56 của Luật Báo chí 2016.

Người phát ngôn hoặc người chịu trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước; các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh; các bộ, cơ quan ngang bộ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm họp báo định kỳ và đột xuất để cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí.

Cơ quan, tổ chức không thuộc quy định tại Khoản 2 Điều 41 Luật Báo chí 2016 và công dân có quyền tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí. Cơ quan, tổ chức, công dân tổ chức họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ tính đến thời điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí theo quy định sau đây:

a) Cơ quan, tổ chức trực thuộc trung ương thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông;

b) Cơ quan, tổ chức không thuộc Điểm a Khoản này và công dân thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức họp báo.

Nội dung thông báo gồm những thông tin sau đây:

a) Địa điểm họp báo;

b) Thời gian họp báo;

c) Nội dung họp báo;

d) Người chủ trì họp báo.

Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có trách nhiệm trả lời cơ quan, tổ chức, công dân về việc họp báo trong thời gian quy định tại Khoản 3 Điều 41 Báo chí 2016; trường hợp không có văn bản trả lời, tổ chức, công dân được tiến hành họp báo.

Nội dung họp báo phải đúng với nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trả lời chấp thuận, trường hợp không có văn bản trả lời thì phải đúng với nội dung đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có quyền đình chỉ cuộc họp báo nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc nội dung họp báo có thông tin quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 9 của Luật Báo chí 2016.

 Ảnh minh họa, nguồn: lawnet.vn

Cụ thể, đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung: Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền Nhân dân; Bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân; Gây chiến tranh tâm lý.

Đăng, phát thông tin có nội dung: Gây chia rẽ giữa các tầng lớp Nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền Nhân dân, với lực lượng vũ trang Nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền Nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc.

Tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

Thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.

Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.

Về hình thức xử phạt, nếu cơ quan chức năng có đủ bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm thì tổ chức, cá nhân có thể bị xem xét xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27 tháng 1 năm 2022.

Cụ thể, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi họp báo nhưng không thông báo trước bằng văn bản hoặc thông báo không đúng thời gian quy định.

Cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Theo ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh, thực tế ghi nhận thời gian qua có một số tổ chức, cá nhân tổ chức gặp gỡ truyền thông để cung cấp thông tin, né việc xin phép cơ quan chức năng tổ chức họp báo.

Quy định pháp luật liên quan tới việc tổ chức họp báo rất rõ ràng. Nếu phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng có quyền yêu cầu dừng buổi họp báo, đồng thời có thể xử phạt theo thẩm quyền.

Do đó, để ngăn chặn tình trạng này cần phối hợp từ nhiều phía, kết hợp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm, đồng thời các đơn vị cho thuê địa điểm tổ chức họp báo cũng cần nắm rõ các quy định có liên quan, tránh các phát sinh không mong muốn./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN