Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bộ Y tế: Đi đầu trong việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia

Thứ Hai, 14/12/2020 17:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bộ Y tế là một trong những bộ, ngành đi đầu trong việc thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

 Y tế là một trong những lĩnh vực Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2020 xác định cần ưu tiên chuyển đổi số trước.  (Ảnh: dientungaynay.vn)

Sau hơn hai tháng triển khai đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 đã có hơn 1.000 điểm cầu là các bệnh viện tuyến dưới kết nối trực tuyến với gần 30 bệnh viện tuyến trên để thực hiện các hoạt động tư vấn, khám, chữa bệnh (KCB). 

Từ tháng 4-2020, giữa lúc cả nước đang giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19, Bộ Y tế phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành y tế, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cùng tham gia phát triển giải pháp công nghệ phù hợp. Trong hoạt động KCB bảo đảm giãn cách xã hội nhưng vẫn chăm lo sức khỏe cho người dân, nhất là đối với người bệnh khó khăn trong việc di chuyển, người bệnh ở vùng sâu, vùng xa. Chỉ sau đúng một tuần, hệ thống hỗ trợ tư vấn KCB từ xa (Telehealth) đầu tiên đã hoàn thành và chỉ hai tháng sau khi đi vào hoạt động, Bộ Y tế đã ban hành đề án “KCB từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 với thông điệp chủ đạo là “Chất lượng KCB vươn cao, vươn xa”. Triển khai đề án nhằm giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh chóng, thuận lợi, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thật sự cần thiết; giảm tập trung đông người tại các cơ sở y tế nhất là khi có dịch bệnh, hạn chế chuyển tuyến, giảm quá tải tại bệnh viện tuyến trên; tạo được lòng tin của người dân với chất lượng KCB của y tế cơ sở nói riêng và toàn hệ thống y tế nói chung. Bên cạnh đó, đẩy mạnh KCB từ xa mang đến cơ hội tiếp cận chuyên môn cao hơn cho cán bộ y tế tại các cơ sở y tế tuyến dưới, từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở và từng cơ sở KCB tuyến dưới.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý KCB (Bộ Y tế), đề án được triển khai trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm của Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn hỗ trợ chẩn đoán, điều trị người bệnh Covid-19 và việc tổ chức hội chẩn, tư vấn KCB từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Sau hơn hai tháng triển khai, đề án đã đạt mốc 1.000 bệnh viện tuyến dưới đăng ký tham gia; toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã có bệnh viện đăng ký tham gia. Ngoài ra cũng đã có hai bệnh viện của nước bạn Lào và một bệnh viện của Cam-pu-chia tham gia làm bệnh viện tuyến dưới. Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo… Cục Quản lý KCB cũng đã phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng “Danh mục tạm thời các kỹ thuật chuyên môn KCB từ xa”, tài liệu “Hướng dẫn các bước tổ chức và thực hiện buổi hội chẩn, KCB từ xa”… Các quy định nêu trên sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh và xây dựng tiếp các quy định khác như hướng dẫn về thủ tục tài chính, thanh toán bảo hiểm y tế… phục vụ công tác KCB từ xa.

Đến nay KCB từ xa đã trở thành hoạt động thường quy của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khi mỗi tuần, bệnh viện đều tổ chức một đến hai buổi kết nối KCB từ xa với gần 60 bệnh viện vệ tinh. Tổng cộng đã có gần 300 ca bệnh khó được cứu sống, xử lý kịp thời. Các thầy thuốc tuyến dưới cũng thấy rõ giá trị của Telehealth, đó là được tiếp cận thông tin ca bệnh hay, khó; qua đó rút ra được kinh nghiệm để cứu sống người bệnh.

Sau một tháng triển khai, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã tổ chức được chín buổi KCB từ xa; bốn buổi tư vấn phòng, chống bệnh cho cộng đồng với sự kết nối của 343 bệnh viện tuyến dưới. Có 34 ca bệnh được khám, hội chẩn; 10 khóa đào tạo các chuyên đề về phòng, chống dịch, hồi sức cấp cứu và nội khoa… Ngày 11-9 vừa qua, nhờ Telehealth, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cứu sống một người bệnh bị sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút.

Trong thời gian tới, nhất là khi cả nước mở cửa trở lại để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, việc mở rộng các hoạt động KCB từ xa vẫn rất cần thiết không chỉ thúc đẩy tiến trình đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành y tế trong nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Việc mở rộng hoạt động KCB từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành y tế nhằm nâng cao chất lượng KCB toàn tuyến, cũng như giúp tạo nền tảng số cho ngành lưu giữ tài liệu, dữ liệu. Trên cơ sở đó, ngành y tế sẽ phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan tiếp tục mở rộng mạng lưới KCB từ xa đến hơn 14 nghìn cơ sở y tế trong cả nước để thực hiện bao phủ y tế toàn dân. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để hướng tới “nối mạng” với quốc tế, kết nối với các nước có nền y khoa tiên tiến để vừa học hỏi, nâng cao trình độ cho các thầy thuốc nước nhà, vừa giúp người dân không cần ra nước ngoài để KCB.

Hiện nay đang ở giai đoạn đầu của quá trình triển khai đề án, cho nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Do vậy, ngành y tế cũng như các địa phương cần tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm; hoàn thiện hành lang pháp lý về KCB từ xa và phối hợp các đơn vị công nghệ thông tin cùng tham gia phát triển các nền tảng, ứng dụng công nghệ trực tuyến để chẩn đoán, tư vấn điều trị và bí mật thông tin. Về phía các doanh nghiệp công nghệ cần phối hợp Bộ Y tế đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở KCB; phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế như hỗ trợ tư vấn KCB từ xa, quản trị y tế thông minh… Hoàn thiện hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tạo điều kiện cho chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

N.Y

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN