Bình Thuận: 181 tác phẩm tham dự cuộc thi “Lắng nghe con nói”
(ĐCSVN) - Ban tổ chức nhận được 181 tranh dự thi, gồm các hình thức thể hiện như sáng tác tranh trên giấy, tranh chất liệu xé dán, tranh chất liệu sáng tạo từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương… Qua rà soát các tiêu chí, Ban tổ chức chọn được 42 tác phẩm lọt vào vòng trong, để chọn ra 11 tác phẩm xuất sắc nhất gửi dự thi cấp Trung ương.
Ban Giám khảo đánh giá các tác phảm tranh vẽ. |
Trong 2 ngày 20-21/9, Ban tổ chức Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 tỉnh Bình Thuận với tên gọi “Lắng nghe con nói” tổ chức chấm sơ khảo cấp tỉnh.
Cuộc thi do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Thuận phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn phát động. Chủ đề cuộc thi năm 2023 là “Gia đình hạnh phúc”, tập trung vào vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, hướng đến nhóm đối tượng là trẻ em đang sinh sống, học tập trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khuyến khích sự tham gia của trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại 20 thôn/12 xã thuộc 4 huyện là Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam.
Ban tổ chức nhận được 181 tranh dự thi, gồm các hình thức thể hiện như sáng tác tranh trên giấy, tranh chất liệu xé dán, tranh chất liệu sáng tạo từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương… Qua rà soát các tiêu chí, Ban tổ chức chọn được 42 tác phẩm lọt vào vòng trong, để chọn ra 11 tác phẩm xuất sắc nhất gửi dự thi cấp Trung ương. Đồng thời nhận xét, chấm điểm chọn ra 10 tác phẩm của các tác giả/nhóm tác giả trao giải cấp tỉnh trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, cơ bản các sản phẩm bám sát chủ đề cuộc thi, hình thức và chất liệu phong phú cho thấy sự đầu tư và sáng tạo của các em. Một số sản phẩm ấn tượng, thể hiện rõ ý tưởng cá nhân, mong muốn và ước mơ của các em về một gia đình hạnh phúc, an toàn, bình đẳng…
Cuộc thi nhằm phát huy vai trò và sự tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, góp phần xây dựng môi trường an toàn để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện.../.