Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình đẳng giới – nhìn từ Bắc Kạn

Thứ Sáu, 22/09/2023 10:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác bình đẳng giới tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả đạt được giúp vị thế của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số được nâng lên, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh.

 

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Cụ thể, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án và Chương trình “Truyền thông về bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025”. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, đối tượng, phạm vi, nội dung, nhiệm vụ và đề ra các giải pháp thực hiện.

Trong quá trình triển khai, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, thay đổi hành vi bình đẳng giới trong đồng bào DTTS. Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện linh hoạt thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cấp phát tờ rơi, áp phích, tuyên truyền miệng... đã khiến cho các nội dung của Đề án dễ hiểu, dễ áp dụng trong thực tiễn, đặc biệt là các tình huống trong thực thi pháp luật về bình đẳng giới.

Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Đề án, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai cụ thể. Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh đã lựa chọn 2 xã có tỷ lệ biểu hiện xu hướng bất bình đẳng giới cao để triển khai nhân rộng mới 02 mô hình thực hiện Đề án tại xã Cổ Linh và xã Nghiên Loan (Pác Nặm); tổ chức 02 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới cho đội ngũ tuyên truyền viên tại 02 mô hình điểm và sản xuất file âm thanh (audio spot) tuyên truyền về bình đẳng giới bằng ba thứ tiếng Việt, Mông, Dao để làm tài liệu tuyên truyền tại các mô hình điểm.

Các nội dung tập trung tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Những câu chuyện về nạn tảo hôn, bạo lực gia đình, trọng nam khinh nữ, sự can thiệp của các tổ chức, đoàn thể trong vấn đề tảo hôn… được tái hiện sinh động và hấp dẫn. Mỗi tiểu phẩm đều chứa đựng trong đó những thông điệp ý nghĩa và có giá trị giáo dục cao. Các em có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo và sáng tạo cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện.

Thông qua các hình thức tuyên truyền đã giúp cho cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức rõ thực trạng của vấn đề bất bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS; từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, về phòng, chống bạo lực giới trong gia đình và cộng đồng. Đồng thời, tăng cường sự gắn kết và nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới.

Cũng trong năm 2022, UBND tỉnh giao Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện và đã xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới.

Đồng chí Bế Ngọc Thuấn, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, tính đến nay, cùng với hoạt động của các ngành chức năng và các địa phương, Ban Dân tộc tỉnh đang duy trì 06 mô hình thực hiện Đề án tại các địa phương, gồm: Nghiên Loan, Cổ Linh (Pác Nặm), Hoàng Trĩ (Ba Bể), Đôn Phong (Bạch Thông), Thanh Vận (Chợ Mới) và Xuân Lạc (Chợ Đồn). Đây là 06 mô hình điểm thực hiện Đề án dựa trên khảo sát thực tế tình hình liên quan tới bình đẳng giới.

Có thể nói, các hoạt động cụ thể hóa Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025" theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã và đang tạo sự chuyển biến trong nhận thức, từng bước thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ nói chung và phụ nữ người DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nói riêng.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện các mục tiêu liên quan đến bình đẳng giới vẫn còn những mặt hạn chế nhất định. Vẫn còn có sự khác biệt trong các chỉ số phát triển giữa nam và nữ, trong đó phụ nữ và trẻ em gái DTTS là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, chịu bất bình đẳng kép cả về dân tộc và về giới.

Do đó, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để phấn đấu thực hiện tốt các nội dung của Đề án theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu hướng tới là: 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương và 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín vùng đồng bào DTTS được phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; 80% số hộ gia đình đồng bào DTTS số rất ít người được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới; 30 - 50% các xã có nhiều đồng bào DTTS rất ít người sinh sống xây dựng các mô hình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới…/.

H. Vũ

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN