Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bệnh tay chân miệng và các biện pháp phòng tránh

Thứ Ba, 28/11/2017 17:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, cao điểm vào các 3-5, 9-10. Để phòng tránh bệnh, cần triển khai thực hiện tốt các biện pháp như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng,…

Rửa tay với xà phòng nhiều lần trong ngày là biện pháp hiệu quả phòng chống bệnh tay chân miệng Ảnh: ĐT

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng lợi lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3-5 và tháng 9-10.

Theo Bộ Y tế, trong khoảng 8 tháng năm 2017, cả nước ghi nhận 43.162 trường hợp mắc tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.603 trường hợp nhập viện, không có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện giảm 1,9%. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường hạn chế lây lan.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Triển khai tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai chỉ đạo UBND các cấp, huy động các ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh tay chân miệng tại địa phương.

Chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời sớm phát hiện các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch lan rộng, kéo dài. Thực hiện tốt việc phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế.

Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Kiện toàn các đội cơ động chống dịch, cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ cho các đơn vị tuyến dưới khi cần thiết.

Tổ chức đoàn kiểm tra và hỗ trợ các địa phương giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh và có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp để khắc phục các tồn tại của địa phương, tập trung cao độ cho các biện pháp phòng chống dịch.

Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong đó, bao gồm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thực hiện ăn sạch, uống sạch, giữ bàn tay sạch; tổ chức các chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, chiến dịch vệ sinh môi trường tại cộng đồng./.

BT

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN