Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bất cập trong xử lý chất thải tại bệnh viện tuyến huyện

Thứ Hai, 04/12/2017 16:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những năm qua, ngành y tế không ngừng đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các hạng mục xử lý chất thải y tế một cách bài bản. Thế nhưng, tại một số bệnh viện, nhất là ở tuyến huyện, vấn đề xử lý rác thải, nước thải vẫn đang là bài toán khó.

Ảnh minh họa (nguồn: CB)

Từ năm 2014, Bệnh viện đa khoa Thái Thụy (Thái Bình)  được ngân hàng tái thiết Đức tài trợ kinh phí xây dựng hệ thống công nghệ đệm vi sinh, xử lý nước thải y tế theo sơ đồ hộp khối bố trí chìm. Đây là công nghệ được đánh giá là hiện đại, nhưng chỉ sau 2 năm đưa vào sử dụng, hệ thống bắt đầu xuất hiện sự cố khiến kết quả quan trắc môi trường của bệnh viện các kỳ đều vượt ngưỡng cho phép với 2 chỉ số là NH4 và COD. Đáng lưu ý, đơn vị xây dựng và lắp đặt hệ thống ban đầu lại không có trách nhiệm trong việc khắc phục.

Bác sĩ CKII Đặng Ngọc Văn, Phó Giám đốc Bênh viện đa khoa Thái Thụy cho biết: Công nghệ của trên Hà Nội họ đưa về họ nói là môi trường của nó là chỉ số về độ pH hơi thấp nên họ nuôi cấy bằng cách cho vôi, cho đường thì chúng tôi đã làm nhưng kết quả cũng hạn chế... Hiện tại bệnh viện chúng tôi đã khắc phục bằng cách hợp đồng với công ty trên Sở Tài nguyên Môi trường Thái Bình hướng dẫn và họ đã bắt đầu nuôi cấy, sắp tới kết quả sẽ tốt.

Khó khăn trong xử lý nước thải y tế không chỉ xảy ra ở Bệnh viện đa khoa Thái Thụy. Một thực tế đáng lo ngại là trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn tồn tại những bệnh viện nằm trong nhóm cơ sở gây ô nhiễm theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường. Nhiều bệnh viện chưa được cấp giấy phép xả thải.

Bên cạnh đó, vấn đề xử lý chất thải rắn cũng còn nan giải. Với bệnh viện sử dụng lò đốt, quá trình vận hành lò vẫn còn hạn chế như tiêu tốn nhiên liệu, thường xuyên phải bảo trì. Lượng khói từ lò đốt vẫn là dấu hỏi lớn trong đảm bảo môi trường bệnh viện cũng như các khu vực xung quanh. Bác sĩ CKII Doãn Trường Thi, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) nói: Lò đốt rác thực tế thì công nghệ cũng đã lạc hậu. Số lượng xử lý không được nhiều, đánh giá tác động môi trường những khi có sự cố thiên nhiên thì rất khó cho chúng tôi chủ động trong xử lý. Chúng tôi cũng lựa chọn phương pháp thuê khoán cho các công ty chuyên nghiệp.

Giống như Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư, phần đông các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh lựa chọn phương pháp thuê công ty môi trường xử lý chất thải y tế định kỳ. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn còn vướng mắc. Rác thải tái chế tại một số bệnh viện khi đưa sang công ty thu gom chưa được kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn tái chế. Phương pháp này cũng đòi hỏi các bệnh viện nguồn kinh phí không hề nhỏ trong khi có những bệnh viện còn chưa đủ lực xây dựng khu lưu giữ chất thải rắn đúng tiêu chuẩn. Với các công nghệ xử lý tiên tiến như hấp ướt, vi sóng, sử dụng khí khô,... thì chưa bệnh viện nào đủ khả năng áp dụng. Bác sĩ CKII Doãn Trường Thi, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Vũ Thư cho biết thêm: Nếu như để đầu tư hệ thống công nghệ cao xử lý rác thải y tế cho Bệnh viện đa khoa Vũ Thư thì là nguồn vốn rất lớn, rất khó khăn trong vấn đề kinh phí. Thứ 2 nữa thì bệnh viện cũng không đủ lượng rác để sử dụng hết hiệu quả của hệ thống công nghệ cao như vậy được.

Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% cơ sở y tế xử lý chất thải đạt yêu cầu về môi trường. Để đạt được mục tiêu này, thực sự là hành trình gian nan. Làm thế nào để giải bài toán về quản lý chất thải y tế? Đáp án không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của riêng ngành y, mà còn cần đến sự chung tay của các ngành, các lĩnh vực khác và của toàn xã hội. 

M.P

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN